11:03, 29/03/2016

Dấu ấn ngày giải phóng Nha Trang trong thơ, nhạc

Ngày 2-4-1975, Nha Trang được giải phóng. Trong niềm vui chung, nhiều nghệ sĩ đã để tiếng lòng của mình lên tiếng với những vần thơ, điệu nhạc đầy hứng khởi. Nổi bật trong số đó là ca khúc "Nha Trang giải phóng" của nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, …

Ngày 2-4-1975, Nha Trang được giải phóng. Trong niềm vui chung, nhiều nghệ sĩ đã để tiếng lòng của mình lên tiếng với những vần thơ, điệu nhạc đầy hứng khởi. Nổi bật trong số đó là ca khúc “Nha Trang giải phóng” của nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy, “Thành phố nghiêng mình” của nhà thơ Trần Vũ Mai…


Người Nha Trang - Khánh Hòa gần như ai cũng biết đến ca khúc “Nha Trang giải phóng” của Hoàng Thơ Huy. Ít người biết, người nhạc sĩ ấy không sinh ra ở xứ Trầm, nhưng yêu mảnh đất này đến lạ. Từ quê nhà Bình Định, chàng thanh niên Trần Đình Lý (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy) phiêu dạt vào Nha Trang và gắn bó với mảnh đất này cho đến cuối đời. Ông say mê học đàn, tập sáng tác và đã có một số ca khúc: “Sao đổi ngôi”, “Gặp giữa cao nguyên”… Ngày 2-4-1975, người dân phố biển nô nức đón chào đoàn quân giải phóng tiến vào Nha Trang. Hòa trong niềm vui chung đó, trong lòng người nhạc sĩ trẻ vang lên điệu nhạc reo vui của ngày chiến thắng. Ngay chiều hôm đó, nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy cho ra đời ca khúc “Nha Trang giải phóng”; lập tức ca khúc được hát vang trên đường phố. Ca khúc vang lên với những ca từ ngắn gọn, giai điệu sôi nổi như muốn loan tin với mọi người, mọi nhà: “Tin vui Nha Trang giải phóng/Gông cùm Nha Trang ta giải phóng/Bác đã về đây với Nha Trang, với mọi nhà…”. Còn nhớ, Hoàng Thơ Huy kể rằng, khi nhìn hàng ngàn người reo vui mừng giải phóng, nhạc sĩ đã nhớ ngay đến Bác Hồ, tưởng tượng nếu như còn sống Người sẽ đi thăm từng nhà nên mới viết “Bác đã về đây với Nha Trang, với mọi nhà”. So với nhiều sáng tác về sau của nhạc sĩ như: “Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa”, “Bài ca Phú Khánh”…, ca khúc “Nha Trang giải phóng” đơn giản hơn về giai điệu và ca từ, tuy nhiên không ai có thể phủ nhận được dấu ấn lịch sử của ca khúc này. Bao năm đã qua, ca khúc này vẫn thường được Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trong những ngày lễ lớn.

 

Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thường biểu diễn ca khúc Nha Trang giải phóng trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng thường biểu diễn ca khúc Nha Trang giải phóng trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa

 
Trong những ngày tháng Tư hào hùng đó, nhà thơ Trần Vũ Mai đã có những vần thơ đầy xúc động khi chứng kiến Nha Trang được giải phóng khỏi gông xiềng kìm kẹp của kẻ thù, nổi bật nhất là bài thơ “Thành phố nghiêng mình”:  “Lúc bây giờ/Nha Trang/Những người phá thành, phá vây đã tới/Nha Trang nghiêng mình/Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển/Những em gái cầm chổi ra đường/Hốt rác đầy mũ lính/Thành phố hiện ra đầy ánh cờ sao”. Trong niềm vui tưởng như vô tận, nhà thơ đã liên tưởng đến cuộc sống hạnh phúc, nở hoa kết trái về sau: “Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận/Là cây lá xanh dần trở lại/Là những tường nhà Nha Trang không còn dấu vết đạn xuyên…”. Nhà thơ mơ đến những điều rất giản dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng, đó là “đồng hoang trở lại những mùa vui”, “chiều buông xuống chan hòa trời biển”, những “đứa con tôi mai mốt ra đời” khi đất nước đã im tiếng súng. Hơn ai hết, chính Trần Vũ Mai  - nhà thơ, chiến sĩ từng nhiều năm nằm vùng ở ngoại thành Nha Trang, được những bà mẹ chở che, nuôi giấu thấu hiểu niềm hạnh phúc của sự hòa bình của người dân xứ Trầm Hương.


Hơn 40 năm đã qua, Nha Trang - Khánh Hòa đã đổi thay nhiều. Vui với hôm nay, nhưng không quên những năm tháng chiến đấu khó khăn gian khổ, không quên những người đã hy sinh… và để hiểu hơn về giá trị của đất nước yên bình.


XUÂN THÀNH