Thời xưa, khi Pháp vừa đặt ách đô hộ lên đất nước ta, lần đầu tiên các cụ nhà Nho thấy tàu hơi nước, thấy đại bác và những đồ dùng cơ khí của phương Tây... các cụ đã lo xa về thời thế sẽ tạo cho con người "cơ khí, cơ tâm". Có nghĩa là thời đại cơ khí, kỹ thuật sẽ làm cho lòng người sẽ chai lỳ, máy móc theo.
Thời xưa, khi Pháp vừa đặt ách đô hộ lên đất nước ta, lần đầu tiên các cụ nhà Nho thấy tàu hơi nước, thấy đại bác và những đồ dùng cơ khí của phương Tây... các cụ đã lo xa về thời thế sẽ tạo cho con người “cơ khí, cơ tâm”. Có nghĩa là thời đại cơ khí, kỹ thuật sẽ làm cho lòng người sẽ chai lỳ, máy móc theo.
Mấy ngày nay trên mạng cứ sôi lên chuyện một bà mẹ bị trao nhầm con 40 năm trước ở Hà Nội. Rồi từ đó nhiều cặp vợ chồng rục rịch đi thử ADN cho con để chắc chắn là con mình… Thú thực, việc trên mạng xã hội luôn phải chọn một sự kiện gì đó để tạo “bão”, tôi không quan tâm lắm. Chỉ đến khi Đài Truyền hình Việt Nam và một số tờ báo lớn cũng đưa tin này, rồi có một phóng sự ngắn về quy trình trao bé sơ sinh cho mẹ ở các bệnh viện để khẳng định hiện nay khó có thể trao nhầm bé thì tôi thực sự hoang mang. Phải chăng nỗi lo của các cụ xưa đã thành hiện thực?
Tôi cứ lẩn thẩn tự nghĩ, người phụ nữ kia suốt 40 năm đã gắn bó với gia đình sẽ sốc thế nào khi biết thông tin mình không phải con đẻ? Người mẹ kia đã giữ kín chuyện nhầm lẫn suốt 40 năm, đã thực sự yêu thương nuôi dưỡng và dạy dỗ, từ bú mớm cho đến khi gả chồng… nay nghĩ sao mà nói ra cái sự thực phũ phàng? Bà có hạnh phúc không nếu bây giờ có một người 40 tuổi, con cái đề huề, tự nhiên về nhận mẹ. Giữa họ có mối dây tình cảm nào không?
Các cụ có câu “công sinh không bằng công dưỡng”, một suy nghĩ rất nhân văn và biện chứng. Để sinh ra một con người, nhiều khi đơn thuần chỉ là hành vi của bản năng sinh tồn. Nhưng nuôi dưỡng, giáo dục người con đó thành người có đủ phẩm hạnh cho gia đình, cho xã hội lại là chuyện hoàn toàn khác! Lại nhớ câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, người con kia có thể cùng huyết thống, nhưng 40 năm qua được giáo dục theo gia phong khác, trong một tình yêu thương khác, liệu có thể mở lòng yêu thương một con người lạ lẫm bằng tình cảm mẹ con?
Trong cuộc sống, không phải sự thực trần trụi nào cũng là tốt cả. Có những bác sĩ khi khám cho bệnh nhân, biết họ bị bệnh nan y thì chỉ nói thực cho người nhà biết, để bệnh nhân vui sống được thêm thời gian nữa.
Những cơ quan báo chí kia tìm thấy điều gì khi khai thác đề tài này? Những thông tin ấy có đem lại gia đình kia thêm hạnh phúc? Hàng ngàn, hàng ngàn người giấu mặt sau những bàn phím, chia sẻ rồi ồn ào bình phẩm, phán xét nọ kia… họ tìm thấy điều gì trước hoàn cảnh trớ trêu của gia đình ấy? Dẫu có bình luận thế nào, người ta chỉ đọc thấy sự hả hê trước cảnh ngộ của người khác…
Lẽ nào nỗi lo của cha ông ta ngày xưa ấy đã trở thành sự thực? Đáng buồn hơn cả là sự “cơ tâm” không còn của riêng cộng đồng mạng rảnh hơi, mà lan cả sang các cơ quan báo chí chính thống!
THỦY NGÂN