Nghề làm gạch ngói ở vùng đất Ninh Hòa đã phát triển rất lâu đời, tuy nhiên, những năm qua, để tìm hiểu đầy đủ về nghề truyền thống này là việc làm rất khó khăn đối với những ai quan tâm. ...
Nghề làm gạch ngói ở vùng đất Ninh Hòa đã phát triển rất lâu đời, tuy nhiên, những năm qua, để tìm hiểu đầy đủ về nghề truyền thống này là việc làm rất khó khăn đối với những ai quan tâm. Cuối năm 2015, qua thời gian dài từ điền dã đến khảo cứu các nguồn tư liệu, hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban và Võ Triều Dương đã biên soạn và ra mắt bạn đọc cuốn “Nghề làm gạch ngói trên vùng đất huyện Ninh Hòa xưa” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 2015). Với độ dày hơn 300 trang, cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, mang tính khoa học cao, cung cấp cho bạn đọc khá nhiều thông tin lý thú.
Đọc cuốn sách, người đọc không chỉ tiếp cận được cách làm các loại ngói âm dương, ngói móc, gạch thẻ và các loại gạch khác tại vùng đất Ninh Hòa hàng trăm năm trước, mà còn đi sâu giới thiệu những nội dung liên quan đến từng loại ngói, từng loại gạch như xác định mẫu mã, kích cỡ, dụng cụ sản xuất, thao tác sản xuất, cách làm nguội, cách phơi gạch, ngói…
Tuy viết về ngành nghề ở một vùng đất, song sách không bị sa vào những công thức mô tả, diễn đạt khô cứng. Ngoài việc khai thác các yếu tố đặc thù gắn liền với vùng đất cũng như giới thiệu các làng nghề làm gạch ngói tiêu biểu ở Ninh Hòa, cuốn sách đã có nhiều trang viết khá hấp dẫn liên quan đến phong tục tập quán trong lĩnh vực làm gạch, ngói, kể cả việc xây dựng nhà cửa, mồ mả của người xưa. Chỉ riêng về lễ cúng trong nghề làm gạch ngói, cuốn sách đã đề cập đến gần chục lễ, và ở mỗi lễ đều được các tác giả sưu tầm, giới thiệu khá nhiều nội dung độc đáo in đậm nét văn hóa dân gian (như: lễ động thổ xây lò; lễ cúng dựng trại; lễ cúng khai hầm đất; lễ cúng tạ khi làm xong lò, trại…). Đặc biệt, hai tác giả Ngô Văn Ban và Võ Triều Dương đã dành 2 chương sách (chương 7 và 9) để nói về việc sử dụng loại hợp chất ô dước (hòa trộn vôi với mật đường, lá bời lời, cây găng nhớt, cây lưỡi lông, dây tơ hồng…) tạo thành chất kết dính trong quá trình xây dựng của người Ninh Hòa xưa, cũng như giới thiệu những phát hiện về nghề làm gạch của người Chăm trên đất Ninh Hòa. Nội dung được đề cập trong 2 chương trên chứa đựng nhiều tư liệu quý, không chỉ có giá trị về lĩnh vực xây dựng mà còn ở cả lĩnh vực văn hóa, lịch sử.
Theo nhà nghiên cứu Võ Triều Dương, để hoàn thành cuốn sách, cùng với việc tra cứu các nguồn tư liệu, ông và nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã bỏ ra rất nhiều năm, gặp nhiều người ở nghề này để nghe họ kể; khảo sát và đo đạt từng viên ngói, viên gạch; so sánh mẫu từng viên gạch, ngói thời xưa với thời nay…
Có lẽ nhờ sự lao động rất công phu, đi sát với thực tế nên hầu như tất cả các thao tác, dụng cụ trong nghề làm gạch ngói đã được các tác giả miêu tả khá tỉ mỉ. Cũng cần nói thêm, tuy là công trình viết về ngành nghề, nhưng được trình bày với lối hành văn mang nhiều yếu tố tự sự, đôi khi sử dụng cả thành ngữ, tục ngữ… nên cuốn sách đã tạo được sự lôi cuốn khi đọc. Đoạn văn đề cập đến việc phơi ngói âm dương được trích sau đây là một ví dụ: “Viên ngói ướt lấy từ khuôn ra, đặt trên lưng cong của viên ngói đã nung chín. Nếu phơi thẳng trên mặt đất thì viên ngói không có độ cong để thành ngói âm dương được. Viên ngói nung chín là cái giá để phơi viên ngói ướt, người địa phương gọi là “ngói mẫu” hay “ngói khuôn”, nên mới có câu “ngói chín cõng ngói sống” là vậy”...
Giới thiệu về ngành nghề, qua đó lồng ghép, mở rộng biên độ để giới thiệu những nội dung về văn hóa, lịch sử, về phong tục tập quán của vùng đất - đó là điểm mạnh, đồng thời là yếu tố làm cho cuốn sách có chiều sâu.
ANH NHẬT