09:02, 19/02/2016

Họa sĩ Bùi Trung Chính - Ấn tượng với tranh gò nhôm

Vượt qua những hạn chế về chất liệu, tranh gò nhôm của họa sĩ Bùi Trung Chính luôn tạo sức hút với người xem bởi bố cục chặt chẽ, sự mạnh mẽ của hình khối, sự mềm mại về đường nét. Niềm đam mê sáng tạo đã giúp anh có được những thành công, trở thành một trong những gương mặt mới của mỹ thuật Khánh Hòa.

Vượt qua những hạn chế về chất liệu, tranh gò nhôm của họa sĩ Bùi Trung Chính luôn tạo sức hút với người xem bởi bố cục chặt chẽ, sự mạnh mẽ của hình khối, sự mềm mại về đường nét. Niềm đam mê sáng tạo đã giúp anh có được những thành công, trở thành một trong những gương mặt mới của mỹ thuật Khánh Hòa.


Lớn lên ở vùng đất Quảng Trị quanh năm gió Lào cát trắng, tốt nghiệp khoa điêu khắc Đại học Mỹ thuật Huế, Bùi Trung Chính (sinh năm 1979) đến Nha Trang - Khánh Hòa theo lời rủ rê của bạn bè. Vẻ đẹp của Nha Trang cùng sự thân thiện của xứ Trầm Hương đã níu chân anh ở lại với mảnh đất này. Vất vả với việc mưu sinh, nhưng niềm đam mê mỹ thuật trong anh chưa bao giờ vơi cạn. Sau những giờ làm việc, anh lại suy tư để cho ra những mẫu phác thảo các bức tranh gò nhôm - một thể loại ít người theo đuổi. Những ngày cuối tuần, anh miệt mài sáng tạo để cho ra đời những bức tranh gò nhôm rất ấn tượng. Những ai từng đến chơi nhà anh chắc hẳn sẽ ấn tượng với những bức tranh như: Mưu sinh, Mùa gặt, Hạnh phúc, Thân phận…

 


Chọn cho mình chất liệu khá khó, nhưng Bùi Trung Chính lại thể hiện được khá nhiều đề tài: từ tranh lịch sử, phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường… Với đề tài nào, anh cũng để lại những dấu ấn riêng. Ở bức tranh Hạnh phúc 1, anh thể hiện một người phụ nữ đang mang thai với gương mặt hạnh phúc viên mãn, người đàn ông đang áp tai vào bụng như muốn nghe tiếng quẫy đạp của hình hài nhỏ bé đang lớn từng ngày, tất cả ôm ấp, vuốt ve nhau trong sự viên mãn tròn đầy. Cũng chất liệu ấy, nhưng khi làm bức tranh Mưu sinh, anh lại gợi nên được nỗi vất vả của người dân miền biển qua những lát cắt khắc họa đánh cá, vá chài lưới…


Năm 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bùi Trung Chính cho ra đời tác phẩm Âm vang Điện Biên. Bức tranh như một tấm phù điêu gợi lại một thiên sử vàng Điện Biên Phủ, ở đó có những đoàn dân công gánh gạo ra tiền tuyến, có những người lính “khoét núi ngủ hầm”, cảnh lính kéo pháo vào trận địa, cảnh chiến đấu oai hùng… tất cả đều nóng bỏng, hừng hực khí thế của những ngày lịch sử. Nghệ thuật tạo ánh sáng, sự tương phản sáng tối, sự phong phú về đường nét và chuyển động đã làm nên một tác phẩm giàu sức hút.  

 

Tranh Âm vang Điện Biên
Tranh Âm vang Điện Biên


Tại triển lãm Mỹ thuật Chào năm mới 2016, tác phẩm Đảo chìm - Đảo nổi (giải khuyến khích Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015) của anh cũng được đánh giá cao. Những người trong nghề cho rằng, tranh của anh luôn có đường nét mạnh mẽ, hình khối chắc khỏe, để lại ấn tượng sâu cho người xem; sự sống động của đường nét, mảng miếng hình khối khiến người xem quên đi những hạn chế về màu sắc vốn là điểm yếu của tranh gò nhôm. “Bùi Trung Chính là gương mặt đầy triển vọng của mỹ thuật Khánh Hòa, với 3 năm liền có tranh lọt vào triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Thoát khỏi sự rườm rà trong kết cấu, sặc sỡ của màu sắc, tranh gò nhôm của Bùi Trung Chính thật sự chinh phục người xem bằng chính sự giản dị mà sâu sắc. Với đam mê tìm tòi sáng tạo, tôi tin Chính sẽ tiếp tục có nhiều thành công trong thời gian đến,” họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét.


Hôm đến nhà chơi, Bùi Trung Chính cho tôi xem khá nhiều mẫu phác thảo tranh về đề tài biển đảo, các con giáp, về lao động… Một điều nữa, anh cũng rất thích thú với đề tài văn hóa Chăm. “Hình tượng các vũ nữ, các đền đài của người Chăm rất giàu tính tạo hình, rất phù hợp với tranh gò nhôm, gò đồng…”, anh Chính nói. Theo họa sĩ Trần Hà, trong giới mỹ thuật rất ít người chọn chất liệu gò đồng hay gò nhôm. Bởi để làm tranh, ngoài việc vẽ mẫu phác thảo, họa sĩ phải đục hàng triệu nhát búa nặng nhẹ khác nhau, tạo nên đường nét, hình khối để tạo tranh. Người họa sĩ phải tập trung tất cả sức lực, sự kiên trì, kỹ thuật và óc sáng tạo ở độ căng thẳng nhất khi thực hiện tranh, bởi chỉ cần đập sai một nhát búa là có thể làm hỏng cả bức tranh. Sau những thành công ban đầu, Bùi Trung Chính dự tính sẽ cho ra những tranh 2 mặt. “Tôi muốn thử sức với những bức tranh 2 mặt, phần dương bản sẽ là một bức tranh, và phần âm bản phía sau cũng là một bức tranh khác. Tôi biết là sẽ rất khó nhưng vẫn muốn thử sức mình….”, anh chia sẻ.


XUÂN THÀNH