Nhạc sĩ Huy Du là người đi đầu trong các nhạc sĩ thời chống Mỹ cứu nước nói riêng và quân đội nói chung với những ca khúc nổi tiếng: "Bế Văn Đàn sống mãi", "Anh vẫn hành quân", "Nổi lửa lên em", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát"…; đặc biệt là "Đường chúng ta đi".
Nhạc sĩ Huy Du là người đi đầu trong các nhạc sĩ thời chống Mỹ cứu nước nói riêng và quân đội nói chung với những ca khúc nổi tiếng: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Anh vẫn hành quân”, “Nổi lửa lên em”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”…; đặc biệt là “Đường chúng ta đi”. Tất cả đã gieo vào lòng người những âm hưởng hào sảng, đầy khí phách của dân tộc anh hùng.
Một chiều cuối đông của nhiều năm về trước, từ trong phòng khách nhìn ra ngoài công viên của khu tập thể Nam Thành Công, chúng tôi cùng người nhạc sĩ xứ Kinh Bắc hào hoa, đôn hậu nói với nhau về ca khúc ông vừa viết có tên Khát vọng mùa xuân. Ông thổ lộ: “Đây là bài hát tôi phổ thơ của người cháu, ít lâu sau cháu mất. Nhưng điều tôi muốn nói là ai cũng cần có khát vọng mùa xuân!”. Rồi ông mở máy: Khi giọt mưa! Khi giọt mưa... cuốn mùa xuân rơi xuống! Có con sáo sang sông rồi bay vút ngang trời!... Gọng hát của ca sĩ Thái Bảo thật ám ảnh. Hóa ra, một nhạc sĩ có những bài hát rừng rực lửa chiến tranh, khi thời bình lại êm đềm dịu dàng như giọt mưa xuân.
Nhạc sĩ Huy Du là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông sinh ngày 1-12-1926, mất ngày 17-12-2007 |
Nhạc sĩ Huy Du nói, ông vốn là người con làng quan họ, từ bé đã theo liền anh liền chị lên đồi nghe hát. Biết con mê nhạc, cha ông mua cho kèn Harmonica. Thấy ông có khiếu thực sự, người anh mua cho cây vĩ cầm bị vỡ đã dán lại của nhạc sĩ nổi tiếng khi ấy là Đỗ Mạnh Thường. Từ đó, ông tự mò mẫm học để chơi những bản nhạc tây. Ông đã thực sự bay bổng khi chơi được những bản thánh ca của Schubert, Mozart, Bach... Thập niên 40 có phong trào sáng tác những bản nhạc lãng mạn, ông cũng theo.
Nhạc sĩ Huy Du là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông sinh ngày 1-12-1926, mất ngày 17-12-2007. |
Huy Du thực sự trở thành chiến sĩ quân đội khi gia nhập đội tuyên truyền văn nghệ để hoạt động vùng khu III. Bài hát đầu tiên của ông được công chúng thích là: Ba Vì năm xưa, Chiều quê hương, Sẽ về Thủ đô... Đấy là thời chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông được đi học sáng tác bài bản, mặc dù trước đó ông đã là thầy dạy học nhạc cho các thiếu sinh quân; rồi làm trưởng đoàn văn công quân đội. Và, “ngọn lửa Huy Du” thực sự bùng cháy chính là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Ông tâm sự, người ta cứ nghĩ giới nhạc sĩ khi đó sáng tác theo chỉ đạo, phải theo khuôn phép... nhưng thực ra không phải, mà đều cất lên tiếng lòng thực của mình. Ví dụ như bài Nổi lửa lên em bắt nguồn từ bài thơ của Giang Lam, nhưng thực ra là kỷ niệm những phút giây được sống với các chiến sĩ Trường Sơn, với những bữa cơm trong lửa đạn, bàn tay các cô gái hái măng, rau tàu bay đãi cho các văn nghệ sĩ, trong đó có ông, đã ghi dấu ấn dạt dào. Rồi ông nghẹn ngào kể, bài hát này là lời hứa của ông với một cô gái thanh niên xung phong, rất tiếc khi sáng tác xong thì cô gái ấy đã hy sinh, không kịp nghe... Bài Bạch Long Vĩ đảo quê hương nhạc sĩ sáng tác khi đang trên đảo chống trả máy bay Mỹ thả bom! Còn bài Đường chúng ta đi phổ thơ Xuân Sách thực sự là khúc ca khát vọng, có thể sánh ngang với Tiến quân ca của Văn Cao. Ca sĩ Doãn Tần khi thể hiện đã rung hết những “thần kinh thanh quản” mới diễn tả hết bức tranh âm nhạc vĩ đại này. Có giai đoạn, nhiều người nhập tâm tới mức cứ nghe những bài hát hùng tráng ngút ngàn trên sóng phát thanh là thầm nghĩ của Huy Du.
Tuy nhiên, tâm hồn thật của người nhạc sĩ quân đội lừng danh này chính là làn điệu dân ca quan họ quê hương với phong vị của nhạc ngũ cung. Ngay trong những ngày khói lửa, mọi người có thể quên hết tất cả, kể cả chính mình, thì Huy Du vẫn có riêng một ca khúc gây nhiều tranh cãi, đó là bài hát Tình em phổ thơ Ngọc Sơn: Khi chiếc lá xa cành/Lá không còn màu xanh/Mà sao em xa anh? Đời vẫn xanh vời vợi. Ông cho rằng, ông sáng tác cho trái tim, mà đã là trái tim yêu thương thì bom đạn cũng không ngăn được nhịp đập của tình yêu.
Thế đấy, nói như Diệp Minh Tuyền, Huy Du là người lính tuy bắt buộc phải mang khẩu súng nhưng luôn yêu hoa hồng. Thời bình, ông trở lại làn nước xanh trong sông Cầu quê hương để viết tình ca: Chợ Chờ em vẫn chờ ai…, Khát vọng mùa xuân… Khi chia tay, nhạc sĩ nhờ vợ tặng tôi băng nhạc Chiều không em… Tôi mỉm cười, vì bên ông suốt hơn 50 năm qua luôn có người bạn đời cũng tài hoa không kém, đó là nhạc sĩ khí nhạc - Giáo sư Nguyễn Thị Nhung nổi tiếng...
Lê Đức Dương