07:12, 21/12/2015

Điện ảnh Việt đang trở lại với công chúng

Năm 2015 chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ, mang tính chuyển mình của điện ảnh Việt Nam sau một thời gian khá dài loay hoay tìm hướng phát triển.

Năm 2015 chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ, mang tính chuyển mình của điện ảnh Việt Nam sau một thời gian khá dài loay hoay tìm hướng phát triển.


Một năm khởi sắc


Hơn 40 bộ phim điện ảnh được công chiếu trên màn ảnh rộng trong năm 2015 có thể xem là một tín hiệu đáng mừng bởi nhiều năm qua, phim Việt luôn trong tình trạng lép vế so với phim ngoại nhập. Chỉ so với năm 2013, 2014 với hơn 20 phim ra mắt, thì số lượng phim năm nay đã là vượt trội. Mùa phim nở rộ vẫn tập trung chủ yếu vào dịp Tết và mùa hè, nhưng thời điểm nào trong năm cũng có phim mới. Theo đánh giá của giới chuyên môn và qua doanh thu phòng vé, phim Việt đang dần lấy lại chỗ đứng trong lòng công chúng. 49 ngày - gần 60 tỷ đồng, Quý tử bất đắc dĩ - 44 tỷ đồng, Chàng trai năm ấy - 42 tỷ đồng, Trúng số - 35 tỷ đồng… là những phim giải trí ăn khách. Các phim này tuy chưa thể nói là xuất sắc về nội dung hay đột phá về công nghệ, nhưng ít nhất cũng được xử lý “sạch sẽ”, chỉn chu, tiết chế các yếu tố nhảm nhí, phản cảm, khiến người xem cảm thấy dễ chịu. Loạt phim về đề tài tuổi trẻ, tình yêu và tình bạn tuổi thanh xuân liên tục ra mắt vừa qua như Yêu, 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy, Em là bà nội của anh... cũng thổi những luồng gió mới vào thị trường và được khán giả ở độ tuổi thanh niên nhiệt tình đón nhận. Tất nhiên vẫn còn đó những phim đi vào lối mòn, lạm dụng tiếng cười thô thiển…, nhưng số lượng này đã giảm rõ rệt.

 

Điện ảnh Việt đang trở lại với công chúng
Điện ảnh Việt đang trở lại với công chúng


Nếu như mảng phim thị trường tiếp tục đạt doanh thu “khủng”, thì dòng phim nghệ thuật cũng ngày càng chinh phục được khán giả. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Quyên, Dịu dàng… đã mang lại nhiều màu sắc ấn tượng cho điện ảnh Việt. Tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 diễn ra vào đầu tháng 12, chỉ có một Bông sen vàng được trao cho phim hay nhất (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), nhưng cả mùa giải đã ghi nhận nhiều phim có chất lượng nghệ thuật cao và được khán giả đón nhận hơn hẳn những kỳ LHP trước. Khâu tổ chức LHP cũng được đánh giá là tốt và gọn gàng, tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các nhà làm phim, nghệ sĩ và khán giả. Các suất chiếu phim miễn phí tại nhiều thành phố lớn luôn kín chỗ và nhận nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem.


Không thể không nói đến một lĩnh vực quan trọng đó là phim Nhà nước đặt hàng, thường là phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), một bộ phim của điện ảnh quân đội đã gây bất ngờ ngay từ những buổi chiếu đầu tiên bằng những thước phim chân thực và cảm động, vượt lên khỏi khuôn khổ của những đề tài tưởng chừng khô khan, tẻ nhạt. Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), bộ phim tái hiện quãng thời gian Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan cũng nhận nhiều lời khen từ những người có nghề lẫn khán giả.


Phim tài liệu năm qua cũng xuất hiện những “hiện tượng” sau nhiều năm trầm lắng. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân là những bộ phim hiếm hoi ra được rạp và bán được vé; không chỉ vậy, còn tạo được dư luận xã hội tốt. Cách làm phim trực tiếp, phi kịch bản, khai thác những rung cảm về thân phận con người và vấn đề nhức nhối của xã hội đã phát huy hiệu quả, chạm đến trái tim người xem…


Những mầm hy vọng


Để có được sự thành công bước đầu về mặt thương mại và thu hút sự yêu mến của khán giả như vừa qua, phim Việt Nam đã và đang hướng tới chính đối tượng tiếp nhận, đáp ứng thị hiếu của khán giả nhiều tầng lớp. Ngoài nội dung hay, ngôn ngữ điện ảnh giàu nghệ thuật hay tính nhân văn, thì một yếu tố góp phần không nhỏ vào thành công của một bộ phim là truyền thông, quảng bá. Nếu như trước đây khâu này gần như bị bỏ ngỏ, thì nay đã được chú trọng hơn.


Thành công ngoạn mục của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tại 2 hạng mục Phim hay nhất (Bông sen Vàng) và Phim được yêu thích nhất tại LHP Việt Nam 19, cùng doanh thu thuộc hàng kỷ lục - gần 80 tỷ đồng, đã tạo nên kỳ vọng về một cú hích mới cho điện ảnh Việt Nam. Là bộ phim do Nhà nước đặt hàng, các hãng phim tư nhân thực hiện, sự phối hợp ăn ý này có thể sẽ là chìa khóa để tiếp tục tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Trong mối quan hệ đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng đề tài, nội dung, đầu tư kinh phí, còn các hãng phim tư nhân sẽ bảo đảm yếu tố khán giả thông qua thế mạnh về diễn viên, cơ sở vật chất, truyền thông quảng bá…


Bên cạnh đó, phim độc lập cũng là một khoảng trời đầy hứa hẹn với nhiều dự án đang đi xa tới nhiều cuộc thi, LHP thế giới, có cơ hội nhận được tài trợ. Bằng niềm đam mê và sức trẻ, thế hệ những người làm phim hiện đại luôn tích cực vận động để tìm hướng đi, xúc tiến việc sản xuất phim, đưa những đứa con tinh thần của mình đến với khán giả. Sự trở về của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt kiều như Victor Vũ, Cường Ngô, Linh Bùi… hay sự xuất hiện của các gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết và được học hành bài bản trong nước như: Phan Gia Nhật Linh, Đỗ Quốc Trung, Tạ Nguyên Hiệp… có thể coi là sự tiếp sức và tiếp nối mạnh mẽ cho điện ảnh Việt Nam trên con đường dài.


Nhìn nhận một cách công bằng, những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam không “giậm chân tại chỗ” mà vẫn có những bước tiến nhất định. Một khi hiểu và đáp ứng được thị hiếu của khán giả, cũng như có sự đầu tư đúng mức, bài bản, phim Việt hoàn toàn có thể vươn lên chiếm lĩnh thị phần trong nước, đồng thời nghĩ đến việc tạo vị thế trên sân chơi quốc tế…


HOÀNG MỸ HẠNH (Nhân dân)