UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án Tôn tạo khu lưu niệm di tích tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Theo đó, khu lưu niệm sẽ được đầu tư xây dựng một số hạng mục lớn như: nhà bia tưởng niệm, bờ kè, cải tạo nền sân, trồng cây xanh…
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án Tôn tạo khu lưu niệm di tích tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Theo đó, khu lưu niệm sẽ được đầu tư xây dựng một số hạng mục lớn như: nhà bia tưởng niệm, bờ kè, cải tạo nền sân, trồng cây xanh…
Điểm lưu niệm tàu C235 ở Ninh Vân là một trong những di tích gắn với “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Năm 1968, khi vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại đây. Năm 1993, Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Hải quân) cùng chính quyền địa phương đã xây dựng bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ tàu C235 tại đây. Kể từ đó, điểm lưu niệm “tàu không số” trở thành “địa chỉ đỏ” mang tính giáo dục truyền thống yêu nước của người dân địa phương. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, địa điểm này được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 26-4-2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã có quyết định xếp hạng địa điểm lưu niệm sự kiện tàu C235 là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bia tưởng niệm tàu C235 tại xã Ninh Vân được xây dựng từ năm 1993 |
Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, kể từ khi địa điểm lưu niệm này được xếp hạng di tích cấp quốc gia, lượng khách tham quan ngày càng nhiều. Điều đáng nói, tuy là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng địa điểm lưu niệm tàu C235 ở xã Ninh Vân khá sơ sài. Nơi đây hiện chỉ có tấm bia khắc tên các liệt sĩ và tóm tắt diễn biến trận đánh của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 ở vùng biển sát chân núi Hòn Hèo. Mảnh vỡ của thân tàu C235 đã rỉ sét chỉ được che bởi một mái tôn đơn sơ. Khách du lịch đến tham quan không có nhà vệ sinh để sử dụng.
Liên quan đến vấn đề này, bà Bông Sen cho biết, năm 2011, để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, xã đã đầu tư kinh phí xây dựng con đường từ thôn Tây vào địa điểm lưu niệm. Sau đó, UBND xã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị được cấp kinh phí để nâng cấp điểm tưởng niệm tàu C235. Năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất này và giao Sở VH-TT-DL thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện, tuy nhiên vì nhiều lý do nên dự án chậm triển khai.
Ông Trần Gia Văn - Quyền Trưởng phòng Kế hoạch -Tài chính Sở VH-TT-DL cho biết, sau khi có chủ trương tôn tạo địa điểm lưu niệm tàu C235, sở đã mời đơn vị lập dự án. Cuối năm 2014, sở đã có báo cáo kinh tế kỹ thuật và đã được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận cho phép thực hiện dự án này. Bộ cũng đã đồng ý cấp 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để thực hiện dự án. Sở VH-TT-DL đã đề nghị tỉnh phê duyệt dự án và cấp vốn đối ứng để thực hiện dự án trong năm 2015, tuy nhiên vì những khó khăn nhất định trong việc bố trí nguồn vốn nên đến ngày 30-10-2015, dự án mới được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo dự án được phê duyệt, khu lưu niệm “tàu không số” được đầu tư xây dựng một số hạng mục lớn như: nhà bia tưởng niệm, bờ kè bằng đá chẻ và tường chắn đất bên sườn núi, cải tạo nền sân, trồng cây xanh, nhà vệ sinh. Tổng mức đầu tư của dự án là 2,08 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ đồng thuộc vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, còn lại là ngân sách tỉnh. Hiện Sở VH-TT-DL đang chuẩn bị các thủ tục để tiến hành đấu thầu thực hiện dự án theo quy định. “Chúng tôi mong dự án sớm được triển khai để thu hút thêm lượng du khách đến tham quan, góp phần phát huy giá trị di tích”, bà Sen bày tỏ.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT-DL, ông Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu sở sớm triển khai thực hiện dự án này.
XUÂN THÀNH