Trên một tờ báo có lượng độc giả nhiều, ngay trang nhất số Chủ nhật ngày 29-11 có bài "Sống cùng "nhịp thở" quê hương". Trong bài có sử dụng trích đoạn lời dạy của vua Lê Thánh Tông: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải…".
Trên một tờ báo có lượng độc giả nhiều, ngay trang nhất số Chủ nhật ngày 29-11 có bài “Sống cùng “nhịp thở” quê hương”. Trong bài có sử dụng trích đoạn lời dạy của vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải…”.
Nguyên văn của đoạn trong bài báo nhắc đến lời dạy của vua Lê Thánh Tông được trích trong ngoặc kép: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”. Đoạn văn này nghe rất quen... ý tứ giống như “di chúc của vua Trần Nhân Tôn” vẫn đang tồn tại trên mạng. Chính sử thì chưa từng có một tài liệu nào lưu lại lời dạy của vua Lê Thánh Tông như trên cả.
Ảnh trên Internet về lời di chúc của đức Vua |
Di chúc của vua Trần?
Thời gian gần đây, có một đoạn văn được lan truyền trong cộng đồng mạng là “Di chúc của vua Trần Nhân Tôn”. Đặc biệt, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của ta, trên mạng càng chia sẻ mạnh hơn. Đoạn “di chúc” đó cụ thể như sau:
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước, cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta, họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
Trong cái gọi là “Di chúc...” này, người ta có thể thấy ngay mấy điều bất bình thường, đó là:
Thứ nhất, thời nhà Trần, nước ta đã bắt đầu có pho chính sử đầu tiên, đó là bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Những bộ chính sử của các triều đại sau đều không thấy có một dòng nào ghi chép về cái gọi là Di chúc của vua Trần.
Thứ hai, ngôn ngữ của “Di chúc...” này hiện đại quá. Thời phong kiến không ai gọi là Trung Hoa cả. Trong sử sách còn lưu, ngày xưa các cụ đều dùng niên hiệu triều đại để trỏ về quốc gia khổng lồ phương Bắc. Còn riêng trong dân gian thì hay gọi một cách xách mé là “nước Ngô”, người Ngô, giặc Ngô... Đó là cách chính sử ghi chiến thắng Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên... Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Nguyễn Trãi còn để lại áng hùng văn “Bình Ngô đại cáo”!
Tên Trung Hoa Dân quốc mới có từ năm 1912 khi ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi, thành lập nền Cộng hòa, gọi tắt là Trung Hoa.
Đi tìm nguồn gốc
Từ cái điều ngờ ngợ ấy, chúng tôi đi tìm link gốc của “di chúc”. Vào mạng gõ từ khóa “di chúc vua trần”, trong vòng 0,47 giây cho ta 297.000 kết quả. Hầu như tất cả đều chỉ là tán dương một áng “thiên cổ hùng văn”, thể hiện lòng tự hào dân tộc mà không cho một kết quả nguồn gốc “Di chúc...” từ tài liệu chính thống nào.
Trong một lần tình cờ dọn giá sách, tôi thấy bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2011 gồm 6 tập. Khi coi đến tập 5 có tiêu đề Huyền Trân Công chúa thì mới biết đây chính là nguồn của “di chúc...”.
Hãy đọc đoạn này, ở trang 167 của tập 5: Huyền Trân Công chúa:
(…) Vua Nhân Tôn nói với giọng ngùi ngùi:
Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Vả lại, phải xem đây là mưu của người Trung Quốc. Chỉ người Trung Quốc mới nghĩ ra các thứ mẹo vặt ấy. Ngoại trừ những điều nhân nghĩa ra, thì các nhà cai trị Trung Hoa không việc gì là họ không làm. Từ những việc kinh thiên động địa đến việc táng tận lương tâm, miễn sao họ có lợi (…) Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu…
Cẩn trọng với thông tin mạng
Vậy là đã rõ, ai đó đã nhân đoạn văn hư cấu của Hoàng Quốc Hải có câu “để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc” mà lộng giả thành chân, coi là di chúc thật (!) Bắt đầu từ một người, cộng đồng mạng thấy hay, nhất là trong những ngày cả nước sục sôi phản đối Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế của ta, cứ thể là chia sẻ, nghiễm nhiên coi đó là thực!
Thông tin trên mạng là thông tin riêng tư, ai thích sao làm vậy, miễn là không vi phạm thuần phong mỹ tục, hoặc cao hơn là pháp luật để đến nỗi bị các cơ quan quản lý “sờ gáy”. Cộng đồng mạng đã truyền nhau “Bức thư của Tổng thống A.Lincoln gửi thầy giáo của con mình”, say sưa chia sẻ “những tuyên bố của Tổng thống Putin”... mà cuối cùng chả ai biết thực hư. Nhưng dù sao đó cũng là chuyện cá nhân của những người ẩn sau bàn phím. Còn một khi báo chí chính thống đã đưa tin lại là chuyện khác, yêu cầu đầu tiên là thông tin phải có xuất xứ rõ ràng, dẫn nguồn một cách chuẩn mực.
TRẦN DUY