Nhắc đến các phát hiện về khảo cổ ở Khánh Hòa, nhiều người thường nói đến bia Võ Cạnh, đàn đá Khánh Sơn. Thế nhưng, ít người biết, những cổ vật giá trị ấy không còn nằm ở xứ Trầm Hương.
Nhắc đến các phát hiện về khảo cổ ở Khánh Hòa, nhiều người thường nói đến bia Võ Cạnh, đàn đá Khánh Sơn. Thế nhưng, ít người biết, những cổ vật giá trị ấy không còn nằm ở xứ Trầm Hương.
Từ bia Võ Cạnh...
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số học giả người Pháp đã phát hiện và tiến hành nghiên cứu hệ thống di tích bia ký của người Chăm cổ. Trong số hàng trăm bia ký được tìm thấy, bia Võ Cạnh được xem là tấm bia bằng chữ Phạn cổ (Sanskrit) với niên đại khoảng thế kỷ II - III. Theo các tài liệu, bia Võ Cạnh được tìm thấy ở gần một tháp bằng gạch của làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang). Tấm bia được nhà nghiên cứu E.Aymonier kiểm tra và dập thác bản năm 1885; năm 1910, bia Võ Cạnh được đưa về viện Viễn Đông Bác cổ và được các học giả như A. Bergaigne, E.Aymonier, Louis Finot... tiếp tục nghiên cứu.
Phiên bản bia Võ Cạnh tại Bảo tàng Khánh Hòa |
Bia Võ Cạnh là khối đá có hình trụ (cao 2,7m, dày 1,1 x 0,8m) lưu giữ một bài minh trên 3 mặt, mỗi dòng được khắc liền từ mặt này tới mặt kia bằng chữ Phạn cổ. Trong suốt hơn 1 thế kỷ, kể từ khi được phát hiện đến nay, vấn đề làm các nhà nghiên cứu quan tâm đó chính là nội dung của bia (bài minh). Học giả A.Bergaigne, người đầu tiên nghiên cứu nội dung của minh văn trên bia Võ Cạnh cho rằng, toàn văn bài minh là văn xuôi. Tuy nhiên, sau đó học giả Louis Finot nhận định, một phần bài minh được viết bằng văn vần. Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nội dung minh văn bia Võ Cạnh cho biết: Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của Tiểu quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang, Ninh Thuận ngày nay), còn Tiểu quốc Bắc Chăm thì thủ phủ ở Simhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay). Sau đó, vào khoảng thế kỷ VII, 2 tiểu quốc này hợp thành Vương quốc Chăm Pa, Simhapura được chọn làm kinh đô. Tấm bia còn cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ cũng như vai trò của giới tăng lữ ở tiểu quốc này. Ngoài việc là một bằng chứng của Vương quốc Chăm Pa thời đầu dựng nước, khối bia Võ Cạnh còn là vật chứng cổ nhất Đông Nam Á nói về sự du nhập của Phật giáo, ngay từ ngày ấy đã thâm nhập sang đến tận vùng ven biển phía đông của xứ Đông Dương.
Hiện tại, bia Võ Cạnh được xem là bảo vật của quốc gia và đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. “Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cho xây dựng riêng một căn nhà kho chỉ để chứa riêng bia Võ Cạnh nhằm tránh nắng mưa có thể hủy hoại thêm bảo vật này”, ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa cho biết. Hiện tại, du khách tham quan Bảo tàng Khánh Hòa cũng thấy “bia Võ Cạnh” được đặt ngay sát cổng vào, tuy nhiên, đây chỉ là phiên bản được bảo tàng làm lại cách đây khoảng 20 năm.
... Đến đàn đá Khánh Sơn
Sau bia Võ Cạnh, Khánh Hòa còn có phát hiện khảo cổ nổi tiếng không kém, đó là đàn đá Khánh Sơn. Đàn đá Khánh Sơn được các nhà nghiên cứu sưu tầm vào năm 1979; chủ nhân của bộ đàn đá là ông Bo Bo Ren, sống ở xã Trung Hạp (nay là thị trấn Tô Hạp), Khánh Sơn. Đây là một sự kiện “chấn động” của giới khảo cổ học, bởi trước đó chỉ duy nhất nhà dân tộc học người Pháp tìm thấy một bộ đàn đá ở Đắk Lắk từ năm 1949 nhưng đã mang về Pháp. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định đàn đá Khánh Sơn do con người chế tác từ thời tiền sử, có tuổi từ 2.000 - 5.000 năm; được làm từ đá rhyolite porphyre, loại đá có ở nhiều nơi ở Khánh Sơn. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều dấu vết cho thấy đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ chứ không phải được mang đến từ nơi khác. Theo nhạc sĩ Kpa Ylăng (người tìm ra đàn đá Khánh Sơn), sau đàn đá Khánh Sơn, ngành khảo cổ khai quật đàn đá Bình Đa, đàn đá Di Linh... Tuy nhiên, những bộ đàn đá đó không hoàn chỉnh như đàn đá Khánh Sơn.
Một bộ đàn đá được trưng bày ở Hội quán Hòn Chồng |
Nổi tiếng như vậy, thế nhưng rất ít người biết nơi đang cất giữ đàn đá Khánh Sơn. Kỳ thực, bộ đàn đá này hiện tại không hề được lưu giữ ở Bảo tàng Khánh Hòa. Ông Nguyễn Tâm cho biết: “Sau khi được phát hiện năm 1979, đàn đá được lãnh đạo tỉnh Phú Khánh trao cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc để nghiên cứu. Sau đó, đàn đá được đem đi biểu diễn ở nhiều nơi rồi đi đâu không ai rõ... Cách đây mấy năm, tôi có dò hỏi và được biết đàn đá Khánh Sơn hiện được lưu giữ tại Phân viện phía Nam của Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) nhưng thông tin chưa được xác thực”. Theo ông Tâm, hiện tại bảo tàng đang cất giữ 2 bộ đàn đá (một bộ 6 thanh, một bộ 8 thanh) được tìm thấy ở Khánh Sơn khoảng năm 1984. Riêng “đàn đá” đặt ở phòng trưng bày của Bảo tàng Khánh Hòa hiện nay chỉ là để cho du khách xem chứ chưa đủ tầm để gọi là đàn đá.
Băn khoăn về số phận của đàn đá, người viết đã liên hệ với nhạc sĩ Kpa Ylăng để dò hỏi, tuy nhiên nhạc sĩ cho biết ông nghỉ hưu từ năm 2000 và không biết đích thực đàn đá Khánh Sơn hiện ở đâu. Thiết nghĩ, với ý nghĩa quan trọng như đã nói, Khánh Hòa cần phải đưa đàn đá Khánh Sơn về lại với xứ Trầm Hương, hoặc chí ít cũng phải biết chính xác về nơi lưu giữ hiện tại của hiện vật này để giới thiệu cho những người quan tâm.
XUÂN THÀNH