Nghệ thuật truyền thống đang rất khó khăn, nhưng ở Khánh Hòa vẫn có một dòng họ 4 đời nối nghiệp nhau gìn giữ nghệ thuật tuồng. Đó là dòng tuồng của cụ Nguyễn Dương (Chánh ca Chạn).
Nghệ thuật truyền thống (NTTT) đang rất khó khăn, nhưng ở Khánh Hòa vẫn có một dòng họ 4 đời nối nghiệp nhau gìn giữ nghệ thuật tuồng. Đó là dòng tuồng của cụ Nguyễn Dương (Chánh ca Chạn).
Mỗi lần nói chuyện về tuồng, nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh đều nói: “Nhắc đến tuồng của Khánh Hòa, phải nhớ đến công lao của Chánh ca Chạn”. Tôi đã đi tìm những hậu duệ của một trong những bậc thầy của tuồng Khánh Hòa để hiểu hơn về sự thăng trầm của một dòng tuồng.
Nhiều thế hệ trong dòng tộc cụ Nguyễn Dương đã có đóng góp cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Trong ảnh: Diễn viên Hữu Hải (giữa) trong vở tuồng “Danh phận” |
Chuyện về một dòng tuồng
Bà Nguyễn Thị Tâm (tổ 11 thị trấn Diên Khánh) là một trong những người con của Chánh ca Chạn - Nguyễn Dương. Trong căn nhà nhỏ, dấu tích của một gia đình mấy đời đeo đuổi nghiệp tuồng vẫn còn đó với những bức hình chụp những lần đi lưu diễn, những tấm huy chương ở các đợt hội diễn toàn quốc và những bộ phục trang của sân khấu tuồng. Lần giở những kỷ vật xưa, bà Tâm kể: “Cha tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội (tuồng) ở Tuy Phước, Bình Định. Sau một thời gian sống ở Phú Yên, năm 1955, ông vào định cư ở khu vực Đồng Đế, Nha Trang và lập ra gánh hát Phước Thành (tên 2 người con trai đầu của ông Dương)...”. Ngày ấy, Phước Thành là đoàn tuồng tư nhân mạnh nhất ở dải đất từ Phú Yên đến Bình Thuận. Diễn viên, nhạc công của đoàn lên đến hơn 20 người, trong đó phần lớn là con cháu trong nhà. Ngoài ông Nguyễn Dương, vợ ông là bà Võ Thị Líu, các con Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Bạch Én, Nguyễn Hữu Hùng đều góp mặt trong đoàn hát. “Nhỏ thì vào vai quân sĩ, lớn lên tập vào vai đào, vai kép... Chúng tôi đến với nghề một cách tự nhiên. Cha tôi bình thường rất dễ tính, nhưng khi làm nghề rất nghiêm khắc, chỉ cần hát sai tuồng là bị phạt”, bà Tâm nhớ lại.
Mỗi lần đến mùa, cả đoàn gồng gánh nhau đi, hát hết làng này sang làng khác, có khi cả tháng không về nhà. “Đã hát án là phải đi tới các lăng, miếu ở các làng biển, đảo xa nên rất vất vả, ăn ở tạm bợ. Cái nghiệp tuồng vốn dĩ như vậy nên không ai lấy đó làm buồn. Những tuồng đoàn hay hát là Tam anh chiến Lữ Bố, Quan Công phục Huê Dung đạo, Ngũ hổ Bình Tây, Tam Nữ đồ vương, Triệu Đình Long cứu chúa, Tam hạ nam đường… Hát án toàn phải hát tuồng cổ, tuồng tích thì ai cũng đã thuộc làu nhưng người xem vẫn rất háo hức. Có những nơi diễn suốt mấy ngày liền nhưng người xem vẫn đông như hội”, bà Tâm kể.
Sau năm 1975, đoàn tuồng Phú Khánh được thành lập, ông Nguyễn Dương cùng các con lần lượt về đầu quân cho đoàn. Ông Dương đảm nhận vai trò đào tạo diễn viên, còn những người con của ông như Bạch Én, Hữu Thành, Hữu Hiệp, Thanh Tâm từng là những nghệ sĩ trụ cột của đoàn. Trong đó, ông Dương và con gái Bạch Én đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. “Những người con của cụ Nguyễn Dương đều rất tài năng, có nhiều đóng góp cho nhà hát. Các nghệ sĩ như: Hữu Thành, Hữu Hiệp, Thanh Tâm, Hữu Phước tuy không được phong tặng danh hiệu nhưng đều là những nghệ sĩ rất giỏi nghề”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải khẳng định. Hiện tại, ở Nhà hát NTTT tỉnh vẫn còn 3 người cháu của ông Nguyễn Dương đang làm nghề là Vy Phương, Hữu Hải và Như Yến. Họ đều là những nghệ sĩ khá tài năng. Ngoài ra, dòng dõi của cụ Nguyễn Dương rất nhiều người đi theo nghề nhưng hoạt động tự do bên ngoài.
Giữ nghiệp tuồng
Năm 1991, người con út của cụ Nguyễn Dương là nghệ sĩ Hữu Hùng tái lập đoàn tuồng Phước Thành. Những năm qua, dù sân khấu truyền thống có những khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng giữ gìn cái nghiệp của gia đình. “Cái nghiệp diễn đã ngấm vào máu, cứ đến mùa hát án là chúng tôi lại tụ họp nhau lại để đi diễn”, ông bầu Hữu Hùng tâm sự.
Nối nghiệp truyền thống của gia đình, 4 người con của bà Tâm nay cũng đi theo nghiệp tuồng và lập ra đoàn tuồng Miền Trung chuyên đi diễn các lễ hội. Hỏi chuyện, anh Nguyễn Thanh Dũng (con trai cả của bà Tâm) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã lớn lên với tiếng trống tuồng, mười mấy tuổi đầu đã đi diễn. Không có duyên để vào nhà hát, chúng tôi lập đoàn để giữ cái nghiệp của gia đình, cũng là để anh em trong nhà có việc làm...”.
Theo anh Dũng, người làm nghề này như có duyên tự tìm đến với nhau, em rể anh cũng là dân trong nghề, ngay cả vợ anh là người ngoại đạo nhưng khi về làm dâu cũng biết diễn tuồng. Nghiệp tuồng không thể bỏ, nhưng để sống với nghề rất khó khăn nên mọi người phải xoay xở làm thêm. Với lợi thế biết chơi nhạc cụ truyền thống, hết mùa hát lễ hội, anh em anh Dũng còn nhận chơi nhạc đám ma. 2 năm gần đây, các thành viên trong đoàn tuồng Miền Trung còn học thêm bài chòi dân gian, hợp đồng với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức hội bài chòi dân gian ở công viên bờ biển TP. Nha Trang.
NTTT vẫn luôn như mạch nước ngầm, âm thầm lặng lẽ nhưng cũng đầy sức sống. Hôm tôi đến, bà Tâm đang dạy cháu nội học hát tuồng Ngũ hổ Bình Tây. Tuy mới 13 tuổi nhưng cháu gái bà Tâm đã hát đâu ra đó, đúng chất con nhà nòi. Thế hệ thứ 4 của dòng tuồng Nguyễn Dương trên đất Khánh Hòa đang được đào luyện để tiếp nối truyền thống của gia đình!
THÀNH NGUYỄN