06:11, 06/11/2015

Truyền hình thực tế: Thời đi tìm bản sao

Nếu như trước đây, truyền hình thực tế, đặc biệt là các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc đẩy mạnh việc tìm kiếm sự độc đáo, cá tính, màu sắc riêng của thí sinh, người chơi thì ngược lại bây giờ, điều người ta tìm kiếm là những gì sao chép, càng giống một ngôi sao càng được tán thưởng.

Nếu như trước đây, truyền hình thực tế (THTT), đặc biệt là các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc đẩy mạnh việc tìm kiếm sự độc đáo, cá tính, màu sắc riêng của thí sinh, người chơi thì ngược lại bây giờ, điều người ta tìm kiếm là những gì sao chép, càng giống một ngôi sao càng được tán thưởng.


Hấp dẫn vì mới lạ


Chương trình Gương mặt thân quen thu hút khán giả ngay từ số phát sóng đầu tiên cách đây 2 năm. Trong cuộc thi, các thí sinh không phải vò đầu bứt tóc xem mình sẽ trình diễn sao cho thật hay, độc đáo, ấn tượng mà càng giả dạng về trang phục, phong thái biểu diễn, giọng hát, giống một ngôi sao nào đó càng nhiều càng tốt. Cũng từ Gương mặt thân quen, một số ca sĩ và ngôi sao giải trí đắt show như những ngôi sao hạng A khác, đó là Khởi My, Hoài Lâm, Kyo York, Khương Ngọc... Có một thực tế là sau khi rời cuộc thi, một số thí sinh tách khỏi sự bắt chước theo format (định dạng) chương trình mà trở lại với giọng hát thật của mình nên không tránh khỏi những đánh giá không cao từ khán giả sau những “hào quang” từ cuộc thi bắt chước một ngôi sao nào đó.

 

Bảo Uyên được tạo dựng hình ảnh thành “bản sao Mỹ Tâm”  trong Giọng hát Việt 2015
Bảo Uyên được tạo dựng hình ảnh thành “bản sao Mỹ Tâm” trong Giọng hát Việt 2015


Chương trình Gương mặt thân quen hút khách đến nỗi từ mùa thứ 2, có thêm một phiên bản nhí, với các em thiếu nhi giả dạng ngôi sao người lớn. Mới đây, một chương trình khác cũng được ra mắt khán giả trên kênh truyền hình Vĩnh Long - Ca sĩ giấu mặt, với mục đích tìm kiếm người chiến thắng là người hát giống thần tượng nhất sau hàng loạt thử thách.


Lật lại những cuộc thi hát “núp bóng” THTT đã qua, có muôn vàn lời tung hô dành cho những “bản sao” được chỉ đích danh như Hương Tràm giống hệt huấn luyện viên Thu Minh của mình tại Giọng hát Việt mùa đầu tiên; Giang Hồng Ngọc y chang phong cách của giám khảo Hồ Ngọc Hà tại Nhân tố bí ẩn 2014... Đặc biệt, có trường hợp như thí sinh Bảo Uyên của Giọng hát Việt 2015 được gọi là bản sao của ca sĩ Mỹ Tâm bởi cách xuất hiện, phong thái của cô được Ban tổ chức dàn dựng không khác huấn luyện viên của mình, từ mái tóc ngang vai, chiếc áo dài trắng... Bảo Uyên cũng đi thi năm 16 tuổi và cũng chọn hát bài của Mỹ Tâm trong một số vòng thi.


Tuy mục đích ban đầu là tìm kiếm những giọng ca hay, song Giọng hát Việt và Nhân tố bí ẩn không tạo ra những ca sĩ đặc biệt mà hình như đang cố tình đi theo chiều hướng để thí sinh càng giống với người huấn luyện (kiêm giám khảo) của mình càng tốt. Bởi lẽ đó là con đường ngắn nhất để đến thành công khi một chương trình THTT hát hò cũng chỉ kéo dài 3 - 4 tháng. Sự khác biệt, độc đáo đòi hỏi cần phải có thời gian để công chúng hấp thu, quen dần, còn những cái giông giống dễ được người ta quen mặt điểm tên và chấp nhận một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc gì cũng có cái giá của nó, dễ nhớ thì cũng dễ quên. Công chúng bây giờ quên mặt những ca sĩ mới bước ra từ các chương trình THTT cũng rất nhanh, tương tự cách mà người xem biết đến họ.


Người xem không mặn mà


THTT nói chung và những cuộc thi hát có format quốc tế đến nay dường như đang đi vào lối mòn. Không còn là món ăn lạ nữa, mà dần khiến người xem có phần chán khi có quá nhiều chương trình phát sóng dày đặc, nhất là phát cùng thời điểm vào những ngày cuối tuần. Các nhà sản xuất không chỉ mua phiên bản Mỹ mà còn săn lùng các phiên bản châu Âu, La tinh, Hàn Quốc... để mang về thực hiện. Việc cạnh tranh sóng không chỉ làm phân tán đối tượng khán giả, mà còn khiến người xem bội thực, nhất là những chương trình nặng về hình thức và nhạt nhẽo về nội dung. Khi sự độc đáo, riêng biệt không còn được đề cao, tìm kiếm; trong khi nhà sản xuất, những người thực hiện chăm chăm vào việc tìm bản sao thì chuyện người xem không còn mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Khi đặt ra tiêu chí đi tìm bản sao, có lẽ cũng đồng nghĩa nhà sản xuất chấp nhận “ăn xổi ở thì”, “đánh nhanh rút gọn”, vì thế chương trình càng về những mùa sau càng nhạt. Những thí sinh cũng phải chấp nhận một thực tế mình chỉ mua vui cho khán giả trong thời gian chương trình phát sóng.


Sau cơn sốt năm 2012, THTT bây trở về đúng chức năng ban đầu của nó, giải trí một cách đơn thuần, không còn khả năng gây tranh luận hay tạo cơn sốt phủ sóng khắp các mặt báo dẫu đủ các trò scandal được vô tình hay hữu ý tạo ra.


KHÁNH THƯ (SGGP)