11:11, 17/11/2015

Sân khấu học đường: Dang dở một ý tưởng

Khánh Hòa từng được chọn làm địa phương thử nghiệm dự án sân khấu học đường và đã thu được nhiều thành công. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học đã rơi vào ngõ cụt.

Khánh Hòa từng được chọn làm địa phương thử nghiệm dự án sân khấu học đường (SKHĐ) và đã thu được nhiều thành công. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc đưa nghệ thuật truyền thống (NTTT) vào giảng dạy trong trường học đã rơi vào ngõ cụt.


Khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống


Năm 1999, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin cũ) thực hiện dự án SKHĐ nhằm đưa nghệ thuật sân khấu vào giảng dạy tại các trường THPT, THCS trong cả nước. Với sự tài trợ của Quỹ Ford, bước đầu dự án được thử nghiệm tại Nam Định, Khánh Hòa, Hà Nội. Ở Khánh Hòa, Nhà hát NTTT tỉnh đã tổ chức biểu diễn, dạy nghệ thuật tuồng cho học sinh (HS) các trường THCS: Âu Cơ, Mai Xuân Thưởng, Võ Văn Ký (Nha Trang). Thông qua chương trình SKHĐ, HS đã có những hiểu biết về nghệ thuật tuồng, biểu diễn được nhiều trích đoạn tuồng kinh điển. Sau khi thử nghiệm thành công, Chính phủ đã phê duyệt và cấp kinh phí cho Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện “Dự án SKHĐ giai đoạn 2001 - 2005” ở 55 trường học của 18 tỉnh, thành trên cả nước.

 

 Cảnh trích đoạn dân ca kịch “Vụ án Vương Ngọc Hoàn” do các em học sinh ở TP. Nha Trang biểu diễn
Cảnh trích đoạn dân ca kịch “Vụ án Vương Ngọc Hoàn” do các em học sinh ở TP. Nha Trang biểu diễn


Năm 2008, Khánh Hòa tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) lựa chọn để thực hiện “Dự án SKHĐ giai đoạn 2” (2006 - 2010) với quy mô lớn hơn, bình diện rộng hơn. Sở VH-TT-DL đã giao nhiệm vụ cho Nhà hát NTTT tỉnh giảng dạy dân ca kịch cho HS các trường THCS: Nguyễn Hiền, Trưng Vương và Thái Nguyên (Nha Trang). Theo đó, mỗi trường chọn 18 - 20 HS có năng khiếu hát dân ca và biểu diễn, tổ chức cho các em học vào dịp hè. Dưới sự dạy dỗ tận tình của các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch Nhà hát NTTT, các em có thể hát nhiều làn điệu như: xàng xê, cổ bản, xuân nữ, hò Quảng... và đóng một số trích đoạn sân khấu cổ điển và hiện đại. Còn nhớ, trong chương trình diễn báo cáo tổng kết dự án SKHĐ năm 2008 tại Nha Trang, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy các em HS diễn rất nhuần nhuyễn những trích đoạn dân ca kịch bài chòi nổi tiếng như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Đôi dòng sữa mẹ…, đem lại cảm xúc cho người xem.


Ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: “Các chương trình SKHĐ rất thành công, thu hút rất đông người xem. Chúng tôi đã 2 lần tổ chức cho các em đi diễn báo cáo ở Hà Nội. Dự án SKHĐ không chỉ giúp HS tiếp cận với NTTT, mà ngay cả các thầy cô giáo, phụ huynh cũng được đánh thức tình yêu với NTTT”.


Dang dở vì không có kinh phí


Theo ông Vũ Tiến Thêm, với sự thành công của dự án SKHĐ, tại hội nghị tổng kết năm 2011, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất đưa sân khấu thành chương trình ngoại khóa thường xuyên trong hệ thống học đường, đặc biệt là ở khối THCS. Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành (một trong những người khởi xướng dự án SKHĐ) từng đặt vấn đề, SKHĐ không nên dừng lại ở mức độ các dự án có thời hạn, mà cần trở thành một chương trình ngoại khóa bắt buộc. Ở đó, HS sẽ được học về lịch sử hình thành âm nhạc dân tộc, tìm hiểu về dân ca 3 miền, các loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu về các loại hình sân khấu... và thực hành biểu diễn. Nội dung của những buổi học sân khấu có thể là những câu chuyện gần gũi xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi, cũng có thể là sân khấu hóa các tác phẩm văn học, cảm hứng lịch sử... Thế nhưng, sau khi dự án SKHĐ kết thúc, việc giảng dạy NTTT cho HS không được tiếp tục bởi nhà hát và các trường không có kinh phí thực hiện.


Nhiều người đã ví SKHĐ được thực hiện như kiểu đá ném ao bèo, tình yêu NTTT vừa được nhen nhóm ở lớp trẻ đã bị bỏ dở. Hiện nay, mỗi năm Nhà hát NTTT tỉnh vẫn tổ chức từ 15 đến 20 buổi diễn phục vụ HS tìm hiểu về NTTT. Tuy nhiên, vì không có kinh phí nên không thể tổ chức cho các em tập luyện, biểu diễn như mô hình SKHĐ đã triển khai. “Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Văn hóa và Giáo dục có sự hợp tác để triển khai mô hình SKHĐ một cách lâu dài”, ông Vũ Tiến Thêm bày tỏ.


Trong hoàn cảnh hiện nay, tỉnh cần chỉ đạo ngành Văn hóa và Giáo dục phối hợp để đưa SKHĐ thành một chương trình ngoại khóa bắt buộc, nếu cần thiết có thể thành lập đề án. Về phía Nhà hát NTTT tỉnh, cần soạn giáo trình phù hợp với lứa tuổi và khả năng tiếp thu của HS, để chương trình SKHĐ thực sự là hoạt động ngoại khóa bổ ích, gần gũi với lứa tuổi học trò. “Để lớp trẻ yêu mến sân khấu truyền thống, cần nhân rộng mô hình SKHĐ thành phong trào thay vì chỉ làm nhỏ lẻ trong một nhóm trường. Hàng năm, ngành Văn hóa và Giáo dục cần tổ chức hội thi SKHĐ, khuyến khích diễn các tiết mục mang tính truyền thống”, NSƯT Trần Nhật Lệ - Trưởng đoàn Dân ca kịch Nhà hát NTTT tỉnh  bày tỏ.


THÀNH NGUYỄN