10:11, 13/11/2015

Phát huy giá trị khảo cổ học để phục vụ du lịch

Khánh Hòa là địa phương có nhiều phát hiện giá trị về khảo cổ học. Tuy nhiên, những phát hiện đó chủ yếu được giới nghiên cứu biết đến, chưa phát huy được nhiều giá trị để phục vụ du lịch.

Khánh Hòa là địa phương có nhiều phát hiện giá trị về khảo cổ học. Tuy nhiên, những phát hiện đó chủ yếu được giới nghiên cứu biết đến, chưa phát huy được nhiều giá trị để phục vụ du lịch.


Nhiều di tích, di chỉ có giá trị


Theo ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, lịch sử khảo cổ học ở Khánh Hòa đến nay đã gần 1 thế kỷ. Năm 1925, nhà khảo cổ học H.Mansuy (người Pháp) đã mở đầu việc tìm dấu người xưa ở Khánh Hòa, với việc tìm thấy 2 chiếc cuốc đá mài tại đảo Hòn Tre. Sau đó, nhà địa chất học E.Saurin cũng tìm thấy công cụ đá và những mảnh gốm thô ở khu vực nhà thờ Mỹ Cam, ven bờ vịnh Cam Ranh. Những phát hiện này đã đánh dấu bước khởi đầu nghiên cứu thời tiền sơ sử và sơ sử ở Khánh Hòa.

 

Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Miễu, Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh
Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Miễu, Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh


Sau năm 1975, việc nghiên cứu khảo cổ học ở Khánh Hòa được đẩy mạnh. Năm 1979, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra đàn đá Khánh Sơn. Cũng trong năm này, các nhà khảo cổ và quản lý văn hóa di chỉ Xóm Cồn (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh), mở đầu cho hàng loạt phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học khác. Từ đó đến nay, Khánh Hòa có thêm nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học được phát hiện, các nhà nghiên cứu cũng có bước tiến dài trong việc xác định các nền văn hóa thời tiền sử và sơ sử ở xứ Trầm Hương. Đó là các di tích thuộc văn hóa Xóm Cồn ở khu vực ven vịnh Cam Ranh và vịnh Nha Trang; văn hóa Sa Huỳnh với các mộ chum được phát hiện ở Diên Sơn, Diên Khánh. Đặc biệt, việc phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ Hòa Diêm với những hiện vật độc đáo (trang sức, mộ chum…) đã chứng minh con người Khánh Hòa thời cổ đại đã có mối giao lưu văn hóa rất xa. Nhắc đến thành tựu của khảo cổ học ở Khánh Hòa, có thể kể đến 5 chiếc trống đồng được tìm thấy Nha Trang và Ninh Hòa; các hiện vật khảo cổ được tìm thấy ở quần đảo Trường Sa…

 

Nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật đang được  Bảo tàng Khánh Hòa cất vào kho vì không có điều kiện để trưng bày
Nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật đang được Bảo tàng Khánh Hòa cất vào kho vì không có điều kiện để trưng bày


Việc phát hiện và nghiên cứu về khảo cổ học ở Khánh Hòa bước đầu đã dựng lại được bức tranh lịch sử, diễn trình phát triển của vùng đất Khánh Hòa thời cổ đại. “Các hiện vật, nghiên cứu khảo cổ học bước đầu dựng lại mọi mặt về cuộc sống cổ đại người xưa từ những công cụ khai thác rừng, khai thác biển đến những bữa ăn đặc thù của cư dân ven biển là sò, ốc mà bằng chứng là lớp vỏ sò ốc dày dặn trong các tầng văn hóa. Họ còn biết làm đẹp từ những vòng đá, hạt chuỗi từ vỏ ốc. Người cổ ở Khánh Hòa còn coi trọng thế giới tâm linh thể hiện qua tục táng người bằng quan tài gốm, chôn theo đồ dùng thường nhật để họ làm “vốn” cho cuộc sống bên kia thế giới…”, ông Nguyễn Tâm cho biết.


Đẩy mạnh khai thác để phục vụ du lịch


Giá trị của khảo cổ học Khánh Hòa đã được khẳng định, tuy nhiên đến nay, do hạn chế về hệ thống trưng bày nên các phát hiện về khảo cổ học chưa phát huy được nhiều giá trị để phục vụ du lịch. Tại hội thảo Sử học với việc Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch Việt Nam mới đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đề nghị Khánh Hòa đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác giá trị các di tích, hiện vật khảo cổ học để phục vụ du lịch. Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Dương đặt vấn đề: “Mối quan hệ giữa các nền văn hóa khảo cổ và du lịch được khai thác thế nào để cả hai cùng tồn tại và phát triển; du lịch nâng tầm nhận thức về các văn hóa khảo cổ và ngược lại, các di chỉ khảo cổ học sẽ tạo sự hứng khởi với chủ thể du lịch”. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đề nghị: Các khu du lịch được xây dựng ở các điểm có phát hiện di tích, nên có tủ trưng bày nhỏ để du khách tham quan có thể hình dung được lịch sử mảnh đất mà họ đặt chân đến. Riêng với di tích khảo cổ Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông, Cam Ranh), trước mắt, khi kinh phí còn có hạn nên xây dựng một khu trưng bày nhỏ để bảo tồn, vừa khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên, về lâu dài cần xây dựng công viên khảo cổ văn hóa Hòa Diêm.


Trong việc khai thác giá trị di tích khảo cổ phục vụ du lịch, các nhà nghiên cứu cho rằng, đến nay các tổ chức, cá nhân làm du lịch chưa làm tốt vai trò cầu nối để phát huy giá trị di tích.“Họ chỉ biết đưa du khách đến tham quan di tích, hiện vật nhưng chưa làm cho khách hiểu rõ giá trị của các di tích và hiện vật đó. Thường họ chỉ mới giới thiệu được những cái nhìn thấy trước mắt (đôi khi chỉ là sản phẩm phục dựng), chưa cung cấp được những nét cốt lõi, sâu xa của các nền văn hóa”, nhà nghiên cứu Trịnh Dương bày tỏ. Từ đó, các nhà nghiên cứu đề nghị, bên cạnh việc tổ chức các điểm tham quan trưng bày về khảo cổ, cần đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên đủ năng lực, trình độ để giúp khách du lịch hiểu biết về giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất


XUÂN THÀNH