Đó là tên tập truyện ngắn của nhà văn - nhà giáo Võ Hồng (1921 - 2013) do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành mà tôi vừa đọc. Những truyện ngắn, tự truyện được ông viết từ mấy chục năm trước đã gợi nên những cảm xúc đẹp về tình thầy trò.
Đó là tên tập truyện ngắn của nhà văn - nhà giáo Võ Hồng (1921 - 2013) do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành mà tôi vừa đọc. Những truyện ngắn, tự truyện được ông viết từ mấy chục năm trước đã gợi nên những cảm xúc đẹp về tình thầy trò. Không xúc động sao được khi một anh học trò trường làng vốn mang tiếng học dốt, vì yêu con nhà khá giả phải dắt nhau trốn đi biệt xứ; mấy mươi năm sau dù đã giàu có, viết thư thăm hỏi bạn cũ vẫn nhớ những bạn bè xưa, nhớ ông cai trường, nhớ người thầy cũ đã mất với một sự áy náy.
Với Niềm tin chưa mất, người đọc còn bắt gặp những tục lệ xưa nay đã ít nhiều mai một như: lễ cúng trường vào ngày hai sáu tháng Chạp, đi Tết thầy vào dịp tết Nguyên đán đầy tính nhân văn. Đặc biệt, trong nhiều truyện ngắn mang dáng dấp tự truyện, nhà văn đã vẽ lại những chân dung người thầy hết sức cao đẹp. Đó là chuyện về thầy Duật dạy Sử - Địa khuyến khích học sinh làm tấm thiệp chúc Tết bằng thơ, được học sinh trân trọng giữ mãi cho đến 5 năm, 10 năm, 20 năm sau (truyện Cánh thiệp đầu xuân). Chuyện thầy Khang dạy Toán đã giảng giải cho học sinh về ý nghĩa Ngày của Mẹ, khuyến khích học trò bày tỏ lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành, dồn tình thương cho những bạn không may phải mang hoa hồng trắng trong ngày lễ Vu Lan (Một ngày cho mẹ). Rồi hình ảnh thầy Lê Thông với phẩm cách cao đẹp trong truyện Người thợ xây tâm hồn. Một thầy giáo dạy Việt văn rất nghiêm khắc, nếu gặp bài văn viết cẩu thả thì nhất định không chấm, nhưng lại bỏ thời gian để dạy học trò chữ Hán, tập cho học trò làm thơ, tổ chức việc đọc sách để mở mang tri thức. Người thầy nghiêm khắc đó đã tranh thủ giờ giải lao, hay những tiết học cuối năm để dạy vẽ, âm nhạc, thậm chí là cả võ Judo để học sinh biết cách tự vệ. Và cũng chính người thầy ấy đã dạy cho học sinh về lẽ công bằng, tinh thần trách nhiệm...
Phẩm cách độc đáo của người thầy, cùng cách dạy học nghiêm trang pha lẫn vui tươi ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bao lứa học trò. “Tôi nhớ lời thầy, làm đầy đủ bổn phận của mình, lễ độ khiêm cung và làm việc tốt với mọi người xung quanh, khoan dung với kẻ dưới, luôn luôn tự sửa lỗi mình”, khi nối nghiệp nghề giáo, nhà văn Võ Hồng đã cố gắng phát huy những đức tính tốt đẹp đó cho dù như ông tự nhận, nói lướt qua thì dễ, làm thì rất khó.
Xã hội bây giờ, đạo lý thầy trò đang ngày một phai nhạt với bao câu chuyện buồn. Phải chăng, trong đời sống xô bồ hiện tại, vì mưu sinh mà nhiều người đã quên đi đạo nghĩa thầy trò... Nghĩ vậy, nhưng khi khép lại Niềm tin chưa mất, tôi vẫn tin rằng dù xã hội có đổi thay thế nào đi nữa, vẫn còn có những tình thầy trò tốt đẹp, bởi đạo nghĩa hết sức thiêng liêng. Hơn nữa như nhà văn đã viết: “Trong hoàn cảnh mất mát, khổ đau đến đâu, con người chúng ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc. Miễn là chúng ta cảm thông, tôn trọng, yêu thương nhau và vì nhau trong cuộc đời”!
THÀNH NGUYỄN