Với nhiều người, những bản nhạc vẫn tươi nguyên, xanh biếc như phiến lá của một thế hệ thanh xuân sau giải phóng không chỉ là kỷ niệm mà còn là cuộc sống với biết bao niềm lạc quan yêu đời. Người góp nên tình yêu đó chính là nhạc sĩ Thanh Tùng.
Với nhiều người, những bản nhạc vẫn tươi nguyên, xanh biếc như phiến lá của một thế hệ thanh xuân sau giải phóng không chỉ là kỷ niệm mà còn là cuộc sống với biết bao niềm lạc quan yêu đời. Người góp nên tình yêu đó chính là nhạc sĩ Thanh Tùng.
Nhạc sĩ Thanh Tùng họ Nguyễn, sinh năm 1948 tại Nha Trang. Ít năm sau, ông theo gia đình tập kết ra Bắc, học phổ thông ở Hà Nội rồi đi học nhạc ở Nhạc viện Bình Nhưỡng. Khi trở về nước năm 1971, ông công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với vị trí chỉ huy dàn nhạc 2.
Tài năng của Thanh Tùng chỉ thực sự bùng nổ khi ông về TP. Hồ Chí Minh sau năm 1975. Có nền tảng rất cơ bản về nhạc bác học nhưng phẩm chất lãng tử của chàng thanh niên sôi nổi, lạc quan lại hình thành nên một Thanh Tùng của dòng nhạc trẻ. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã thể hiện là một nhạc sĩ tài năng hàng đầu trong phong trào nhạc trẻ của thành phố thập niên 80 - 90. Thực ra trước đó, tên tuổi của ông được gắn với các chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh với vai trò là người phối khí. Đó là giai đoạn Thanh Tùng công tác ở Đài, chỉ huy phối khí, đổi mới toàn diện những chương trình âm nhạc mang phong cách hiện đại mà trước đó không có, nên chương trình âm nhạc của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh rất hấp dẫn, thu hút khán giả.
Cũng từ đây, tình cờ trong một lần Đài dựng quay một vở cải lương nổi tiếng có tên Cây sầu riêng trổ bông, với tư cách nhạc sĩ làm nhạc, Thanh Tùng đã nổi hứng viết bài hát cho vở cải lương này, đem lại sự ngỡ ngàng cho mọi người. Và rồi ông cũng thực sự chuyển mình trong tư duy để chuyển hẳn sang môi trường mới: sáng tác ca khúc nhạc trẻ.
Trước khi nói về sự bùng nổ sáng tác nhạc trẻ thì Thanh Tùng vẫn là nhạc sĩ viết khí nhạc rất tài, ấn tượng nhất đó là nhạc phim Ván bài lật ngửa từ tập 2 có tên Quân cờ di động của đạo diễn Khôi Nguyên. Nét nhạc u uẩn, tha thiết như sóng lòng nhà tình báo chiến lược Nguyễn Thành Luân đi trong rừng cao su của đoạn mở đầu phim đã cuốn hút khán giả. Người nghe có cảm tưởng như đạo diễn chọn một bản nhạc của một nhà soạn nhạc cổ điển phương tây nổi tiếng nào đó chứ không nghĩ đó là của nhạc sĩ trẻ Thanh Tùng!
Và rồi, được các đạo diễn đặt hàng viết nhạc cho phim nên Thanh Tùng rất hăng say. Đáng nói là gần như những bài hát đó sau khi sử dụng cho phim đã vươn tới khoảng trời xanh riêng - đó là khán giả yêu nhạc, có thể kể đến như: Ngôi sao cô đơn, Vĩnh biệt mùa hè...
Nhạc sĩ Thanh Tùng kể lại rằng, đầu những năm 1980 nở rộ dòng ca khúc chính trị, đem đến luồng sinh khí mới cho âm nhạc thành phố. Và ông đã tiên phong sáng tác với những bài hát đại chúng, lời ca đơn giản, không bóng bẩy trau chuốt nhưng hòa với giai điệu thì rất sôi nổi với giới trẻ như: Lời tỏ tình mùa xuân, Hoàng hôn màu lá, Hát với chú ve con, Chim sơn ca… Ông lồng rất khéo, ý nhị những vấn đề chung của thời đại mới vào tâm hồn người, tạo niềm lạc quan yêu đời mà không một chút khiên cưỡng. Đó là điều mà nhạc trẻ sau này không lặp lại được.
Tuy nhiên, với bản năng của một nghệ sĩ đa tình, yêu đời, yêu người, ông đã đi đúng vào trái tim người trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Gần như các ca khúc của ông thuở đầu đều gắn liền với những nữ ca sĩ như: Ngọc Bích với Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoàng Huệ Quân - Ngôi sao cô đơn, Lan Ngọc - Hoàng hôn màu lá, Ngọc Thúy - Chuyện tình của biển, Thùy Dung - Mưa ngâu, Hồng Nhung với Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con... Sau này, Thanh Tùng làm nhiều live show với nhiều chủ đề khác nhau mà vẫn không hết bài hát hay - điều mà nhiều người sáng tác mơ ước.
Không chỉ có tài sáng tác, hòa nhạc..., Thanh Tùng còn rất giỏi về đào tạo các ca sĩ và ban nhạc trẻ. Nhiều người vẫn nhớ tới “Làn sóng nhỏ” nổi đình nổi đám một thời với những ca sĩ : Ngọc Bích, Thanh Hoa, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh... Cũng chính Thanh Tùng đã góp sức trong việc tạo thương hiệu Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Ngoài chỉ đạo về nghệ thuật, đào tạo các diễn viên, ca sĩ, ông còn sáng tác theo đúng nghĩa “đo ni đóng giày” cho ca sĩ của đoàn, đưa các giọng ca tỉnh lẻ thành ngôi sao lớn trong giới nhạc cả nước. Có lẽ không ai hát hay hơn Ngọc Thúy bài Chuyện tình của biển, Mưa ngâu, Chim sơn ca, Mỹ Hạnh với Chuyện nhỏ của tôi... Ông kể lại rằng đó là việc ông thấy rất thú vị vì đã góp một phần công sức cho mảnh đất nơi mình đã chào đời.
Người ta cứ nói đến Thanh Tùng về sự đào hoa và chung thủy bởi lẽ trong đời tư của mình, người nhạc sĩ ấy có những uẩn khúc thật như định mệnh khó cưỡng. Nếu như ban đầu ông có rất nhiều ca khúc tươi trẻ, góp phần động viên, nâng từng bàn tay nhỏ cho người, thì càng cuối đời, những tác phẩm như: Giọt sương trên mi mắt, Một mình, Giọt nắng bên thềm… với từng câu trong ca từ như bước chân đi, như nhịp tim đập, như ánh mắt buồn của ông với đời, với người.
Là nhạc sĩ tài hoa, một doanh nhân thành công, con cái thành đạt nhưng cuối đời, ông lại như giọt mưa ngâu lạnh buốt. Năm 2008, qua cơn tai biến, ông phải dừng bước, bỏ dang dở mọi ước mơ. Ông bây giờ ngồi trên xe lăn trước thềm nhà của người con ở Hà Nội, làm bạn với ông là tiếng chim hót, tiếng lá đưa. Người nhạc sĩ ấy chỉ đưa ánh mắt nhìn, không nói gì nữa. Có thể ông đang sống với kỷ niệm ngọt ngào nhưng cũng đầy cay đắng về định mệnh của mình. Vệt nắng thu vẫn ẩn hiện, rơi xuống nhảy nhót đùa vui với người nhạc sĩ tài hoa.
Dương Trang Hương