07:11, 04/11/2015

Nhạc không lời Việt - ký ức âm thanh khó phai

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam thế kỷ trước, ngoài những ca khúc đi cùng năm tháng được công chúng yêu thích, thì có thêm mảng khí nhạc phát triển ghi dấu ấn một thời thật ấn tượng.

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam thế kỷ trước, ngoài những ca khúc đi cùng năm tháng được công chúng yêu thích, thì có thêm mảng khí nhạc phát triển ghi dấu ấn một thời thật ấn tượng. Thời gian trôi qua, khi mở lại mảng trầm tích đó, người yêu nhạc ngỡ ngàng nhận ra đó là ký ức âm thanh tràn trề hạnh phúc của mình. Đó là những bản nhạc không lời nổi tiếng.


Không kể tới những tác phẩm khí nhạc đồ sộ như giao hưởng, overture, concerto của Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Ca Lê Thuần… thì có những bản nhạc không lời thật hấp dẫn, gần gũi với công chúng mà giá trị thẩm mỹ của nó không thua kém thể loại âm nhạc nào. Nhạc sĩ có duyên nhất với thể loại này là Phú Quang. Ông đã sáng tác một số bản nhạc rất nổi tiếng như: Khát vọng, Tình yêu của biển, Câu chuyện truyền thuyết, Chuyện mùa thu, Kể chuyện tình yêu.

 

Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Internet
Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Internet


Khát vọng mang dấu ấn riêng biệt của Phú Quang khi ông sáng tác năm 1976, thời điểm đất nước vừa trở lại hòa bình. Bản nhạc này, ông soạn riêng cho flute (sáo tây) trên nền đệm của piano. Với flute, không ai khác đó là nghệ sĩ Nguyễn Thị Nhung (Hồng Nhung) - nghệ sĩ nổi tiếng của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Với người nghe nhạc, trong tất cả tác phẩm của Phú Quang luôn có âm thanh của tiếng sáo flute thánh thót, đó chính là tiếng flute của nghệ sĩ này.


Kết hợp đỉnh cao nhất giữa Phú Quang và Nguyễn Thị Nhung chính là bản nhạc Tình yêu của biển. Nhạc sĩ Hồ Quang Bình đã nói trong đêm diễn bản nhạc này: Tất cả những vẻ đẹp đến ngây ngất, dịu dàng và đằm thắm được hiện diện mỗi âm thanh dành cho nhạc cụ flute. Khi tiếp cận những giai điệu mỹ cảm bất tận này, rằng ở đây là hơi thở tình yêu của biển…


Phú Quang đã kể một chuyện tình của biển bằng những nốt nhạc, lúc dìu dặt êm đềm thủ thỉ như tiếng sóng đêm với đảo vắng; khi lại dâng trào ngất ngây hạnh phúc như cơn sóng bạc đầu trưa hè; hay sâu lắng với nỗi đau thăm thẳm của những vực biển u tối… Nhưng chủ thể của bản nhạc vẫn là sự dạt dào vui tươi của hạnh phúc. Thể hiện  được điều này, ngoài dàn nhạc giao hưởng thì tiếng sáo flute của nghệ sĩ Nguyễn Thị Nhung đã làm cho khán giả  trào nước mắt sung sướng của niềm hạnh phúc. Cho đến tận bây giờ, nhiều người khi nghe bản nhạc này vẫn thổn thức trước vẻ đẹp thánh thiện của những âm thanh đó.


Có một điều thú vị là nhạc sĩ Cát Vận - người cùng làm việc với Phú Quang ở Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có bản nhạc không lời trùng tên: Tình yêu của biển. Nhạc sĩ Cát Vận kể lại cảm hứng cho sáng tác này là năm 1978, khi đi tàu tới đèo Hải Vân, ngắm nhìn biển trời xanh biếc của bán đảo Sơn Trà, Cát Vận đã cảm hứng viết. Khác với Phú Quang viết cho flute và piano, Cát Vận viết cho nhạc dây nên réo rắt thăm thẳm mà mênh mang bát ngát. Đoạn nhạc hay nhất của Cát Vận thường được làm nhạc nền cho những đoạn phim về biển và người lính với sự lãng mạn dâng trào. Có lẽ khi nghe bản này trên bến cảng lúc tàu rời bến, không một đôi tình nhân nào không ôm chầm nhau trào nước mắt yêu thương và hạnh phúc.


Cũng như bản Khát vọng, 2 bản Tình yêu của biển được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng trong nhiều chương trình và gần như các phim ảnh về biển, hải quân đều sử dụng những khúc nhạc này. Vì vậy, sự phổ cập của nó rất lớn nhưng không mấy người biết đó là nhạc Phú Quang hay Cát Vận. Còn với nhạc sĩ sáng tác, đó là hạnh phúc âm thầm nhưng không kém phần tự hào.


Người yêu nhạc có thể nhắc đến những bản nhạc không lời rất nổi tiếng như: Adagio Bên dòng sông Thương, Trở về đất mẹ của Nguyễn Văn Thương, Chiều quê hương của Nguyễn Thị Nhung, Tiếng sáo quê hương của Văn Chung… Lớp nhạc sĩ sau như: Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân… đều góp nhiều bản nhạc không lời rất có giá trị, được công chúng yêu thích.


Ngoài việc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cùng nhiều phương tiện truyền thông sử dụng thường xuyên thì trên một số trang nhạc (baicadicungnamthang.net) đều dành cho mảng nhạc không lời Việt Nam một góc riêng đầy trân trọng.


Lê Đức Dương