Để thỏa đam mê, anh Phương Chánh Hùng (số 9 Cổ Loa, TP. Nha Trang) đã bỏ công sưu tầm hàng ngàn băng, đĩa nhạc xưa được sản xuất từ trước năm 1975.
Để thỏa đam mê, anh Phương Chánh Hùng (số 9 Cổ Loa, TP. Nha Trang) đã bỏ công sưu tầm hàng ngàn băng, đĩa nhạc xưa được sản xuất từ trước năm 1975.
Mới đây, trong chương trình giao lưu của ca sĩ Khánh Ly với khán giả Nha Trang tại Nhà sách Phương Nam, tôi đặc biệt chú ý đến người đàn ông trung niên mang theo mấy băng, đĩa nhạc cũ từ trước năm 1975 để xin chữ ký của nữ danh ca. Hỏi chuyện mới biết, anh là Phương Chánh Hùng (Hùng Audio), một người chơi máy Akai (gọi chung cho các loại máy chạy băng cối như Akai, Teac, Awa, Sony...) có tiếng ở Nha Trang cũng như trên cả nước. “Ngày xưa, nhà tôi có tiệm chè rất lớn ở cạnh rạp Tân Tiến, TP. Nha Trang. Khi ấy, trong tiệm có 2 dàn máy Teac mở nhạc phục vụ khách nghe. Hơn thế, anh trai tôi buôn bán đồ điện tử nên khi lớn lên tôi cũng theo nghề này. Khoảng những năm cuối thập niên 90, người ta bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, tôi thấy tiếc nên chú ý sưu tầm đầu máy, băng với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa cũ của một thời’, anh Hùng kể về cơ duyên đến với thú chơi này.
Anh Hùng đang lắp băng nhạc vào đầu máy Studer A810 |
Những ngày đó, cứ nghe bạn bè mách ở đâu có đầu máy Akai, băng cối, anh Hùng lại đến hỏi mua. Dấu chân anh đi khắp các vùng trong tỉnh, ra tận Tuy Hòa, lên Đắk Lắk... Thời cao điểm những năm 2003 - 2004, anh có đến khoảng 6.000 băng cối, 200 đầu máy Akai. Sau này, anh bắt đầu bán bớt, chọn lọc giữ lại những băng có giá trị. Hiện tại, trong nhà anh Hùng còn hơn 100 băng cối được sản xuất trước năm 1975 của các hãng băng đĩa: Việt Nam, Shotguns, Asia - Sóng Nhạc, Trường Sơn, Sơn Ca, với đầy đủ giọng hát của các danh ca trước năm 1975 như: Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Chế Linh, Phương Dung... Trong đó, có những băng gốc anh mua rất đắt tiền như băng Tiếng hát Duy Khánh 1, Tiếng hát Phương Dung 1 - Hương quê, Tâm sự loài chim biển (cải lương)... mà anh may mắn kiếm được. Ngoài ra, anh có khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 1.500 bản nhạc xưa được anh sưu tập từ hơn 30 năm qua. Nhiều nhà nghiên cứu, các ca sĩ... muốn có bản nhạc gốc đều tìm đến anh để hỏi mượn; mối giao tình thân thiết đến mức anh được nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Mỹ gửi tặng các tập nhạc đã phát hành; con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi tặng bản scan các bản nhạc viết tay của nhạc sĩ tài danh này.
Anh Hùng cho biết, người chơi nhạc xưa có thể chơi băng cối hoặc đĩa than. Ưu điểm của băng cối là không có tiếng nổ, tiếng lép bép như đĩa than. Tuy nhiên, chơi băng cối cũng có cái khó riêng, bởi dùng không khéo băng sẽ rối, đứt hay nhiễm từ làm âm thanh bị méo. Khó nhất là lấy đâu ra băng để nghe, vì thời nay các hãng ghi âm không ra băng cối nữa, còn đĩa than thì gần đây đã có sản xuất trở lại. Tuy nhiên, theo anh Hùng, nhiều người vẫn thích nghe băng cối hơn đĩa than. “Nghe nhạc xưa bằng máy Akai thật không gì bằng. Âm thanh không hề có chút xử lý kỹ thuật nên rất mộc mạc, càng nghe càng thấy ngấm...”, vừa nói anh vừa lấy cuốn băng Tiếng hát Duy Khánh 1 bỏ vào chiếc đầu máy Studer A810. Nhìn băng chuyển động với những âm thanh thong thả, trầm trầm nghe rất “đã” tai, và nó khác hẳn âm thanh kỹ thuật số của các đĩa CD.
Một số băng cối được sản xuất từ trước năm 1975 trong bộ sưu tập của anh Phương Chánh Hùng |
Theo anh Hùng, những năm gần đây, khi phong trào chơi băng cối bắt đầu phát triển trở lại, lượng đầu máy, băng từ nước ngoài về (băng trắng hoặc băng cũ) khá nhiều, nên người chơi có thể dùng để sang lại các băng nhạc cũ. Hiện tại, cộng đồng chơi máy Akai, băng cối ở Nha Trang không nhiều, bởi việc đầu tư dàn máy với đầy đủ đầu máy, âm ly, loa khá lớn, đó là chưa nói đến việc mua băng và công sang khá đắt. “Khi đã đam mê thứ âm thanh chân thực, đặc trưng của băng cối thì rất khó bỏ được. Mỗi tối, chỉ cần dành một khoảng thời gian nhỏ ngồi nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè thì mọi ưu phiền, mệt nhọc của một ngày làm việc như tan biến”, anh Hùng chia sẻ.
XUÂN THÀNH