Dựa trên kết quả các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học, đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu khảo cổ học tiền sử và sơ sử Khánh Hòa" (ông Nguyễn Tâm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh làm chủ nhiệm) là công trình đầu tiên hệ thống được các di tích và di vật tiền sử và sơ sử Khánh Hòa.
Dựa trên kết quả các cuộc thám sát, khai quật khảo cổ học, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu khảo cổ học tiền sử và sơ sử Khánh Hòa” (ông Nguyễn Tâm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh làm chủ nhiệm) là công trình đầu tiên hệ thống được các di tích và di vật tiền sử và sơ sử Khánh Hòa. Kết quả đề tài sẽ phục vụ cho việc xuất bản sách chuyên khảo.
Mang nét đặc trưng
Đề tài đã phân lập một cách có hệ thống các di tích khảo cổ học tại Khánh Hòa cũng như xác định được diện mạo các nền văn hóa khảo cổ như văn hóa Xóm Cồn cách đây 3.000 - 4.000 năm, văn hóa Sa Huỳnh (với bằng chứng là các mộ chum ở Diên Khánh) và văn hóa Đông Sơn (với bằng chứng là các trống đồng Đông Sơn) khoảng vài thế kỷ trước Công nguyên.
Một số hiện vật được khai quật từ di chỉ khảo cổ Vĩnh Yên, Vạn Thạnh, Vạn Ninh |
Đó là hệ thống di tích ven bờ vịnh Cam Ranh như: Xóm Cồn, Hòa Do 5A, Hòn Lao, Gò Miếu, Gò Duối, Bình Hưng, Bình Ba và Rừng Cấm (TP. Cam Ranh) và Văn Tứ Đông, Trảng Cháy, Vĩnh Hải, Gò Diệp, Suối Cam (huyện Cam Lâm); di tích ven bờ vịnh Nha Trang gồm: Bích Đầm, Bãi Trũ, Đầm Già (Vĩnh Nguyên); di tích ven bờ vịnh Vân Phong như: Vĩnh Yên, Sơn Đừng, đồi Cô Đơn, Hồ Suối Lớn, trảng Bà Vải (Vạn Ninh); cụm di tích Hòa Diêm và mộ chum Diên Sơn. Ngoài ra, có thể kể đến các di tích đào được như trống đồng Đông Sơn ở TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, di tích Dốc Gạo phát hiện đàn đá Khánh Sơn.
Tại quần đảo Trường Sa, qua các cuộc nghiên cứu khảo cổ học của Viện Khảo cổ học đã thu được nhiều mảnh gốm giai đoạn tiền sử và sơ sử cùng nhiều hiện vật sành, sứ của giai đoạn thế kỷ VI đến thế kỷ X cho đến nay. Đặc điểm gốm tiền sơ sử thu được đều thuộc nhóm gốm xốp, xương gốm được làm từ đất có pha bã thực vật và cát nên thô, nhẹ, mỏng, độ nung không cao.
Khai quật di chỉ khảo cổ Hòa Diêm năm 2007. Ảnh: Bảo tàng tỉnh cung cấp |
Những tư liệu đã khai quật, thám sát và điều tra sơ bộ các di tích tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa cho thấy, hầu hết các di tích nằm gần biển, khác hẳn các cộng đồng khác thường cư trú ven sông, suối. Yếu tố khai thác nguồn lợi từ biển giữ vai trò quan trọng trong các cộng đồng dân cư cổ nơi đây xuyên suốt từ thời tiền sử sang sơ sử.
Có sự giao lưu về văn hóa
Về di vật thời tiền sơ sử ở Khánh Hòa, có thể kể đến đồ đá, đồ gốm, đồ kim loại. Nếu đồ gốm thời tiền sử khá đơn điệu về kiểu dáng, các trang trí không chú trọng tính mỹ thuật mà chỉ mang yếu tố kỹ thuật thì sang thời sơ sử, đồ gốm đã trở nên tinh xảo, đầy tính mỹ thuật. Đồ đá có thể nhận thấy có sự phân biệt rõ ràng tương ứng với 2 giai đoạn khác nhau là văn hóa Xóm Cồn và Hòa Diêm. Đồ đá văn hóa Xóm Cồn chất liệu xấu, hình dạng công cụ lao động và đồ trang sức thô nặng, cho thấy tính thực dụng cao, ít chú ý đến tính thẩm mỹ và sự tinh tế. Giai đoạn Hòa Diêm đã xuất hiện chất liệu mới như: đồ đồng, đồ sắt nên công cụ bằng đá hầu như đã mất hẳn. Trong các di tích có phát hiện đồ kim loại cho thấy ngay từ sớm người cổ ở Khánh Hòa đã nắm vững kỹ thuật rèn sắt, đúc đồng. Ngoài ra, trong các di tích còn có các hiện vật bằng đá quý, thủy tinh, vàng, các loại vỏ ốc được chế tác thành đồ trang sức có tính thẩm mỹ cao.
Với bằng chứng thể hiện ở khối di vật khổng lồ được lấy lên từ lòng đất Khánh Hòa, các nhà khảo cổ học đã giải mã bề dày lịch sử, làm rõ bức tranh tiền sơ sử, dựng lại cuộc sống của người xưa, biết khai thác biển, khai thác rừng, biết làm đẹp từ những vòng đá, vỏ ốc. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, các mộ chum tìm thấy ở Khánh Hòa rất đặc sắc, không chỉ thu hút giới khảo cổ. Nó cho thấy người cổ Khánh Hòa còn coi trọng thế giới tâm linh, thể hiện qua cách táng người quá cố bằng quan tài gốm, chôn theo đồ dùng thường nhật để làm “vốn” ở thế giới bên kia.
Công trình này cũng đã vạch ra được con đường và các mối giao lưu văn hóa của cư dân Khánh Hòa thời tiền sử và sơ sử. Trong đó, điểm nhấn là giao lưu với miền Bắc nước ta (bằng chứng là trống đồng Đông Sơn), với khu vực Trung Trung Bộ (giao lưu văn hóa Sa Huỳnh mà bằng chứng là khu mộ chum Diên Sơn) và với nhiều vùng xa xôi hơn như: Ấn Độ, Trung Đông, Philippines (qua các trang sức đào được ở Hòa Diêm). Điều đó chứng tỏ văn hóa thời đại cổ ở Khánh Hòa không khép kín. Người thời tiền sử và sơ sử nơi đây đã có mối giao lưu xa, chủ yếu bằng đường biển.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di chỉ khảo cổ học ở Khánh Hòa. Trong đó, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh gợi ý chọn trong số những di tích khai quật địa điểm đặc sắc (như Hòa Diêm) để có thể xây dựng bảo tàng ngoài trời, vừa bảo tồn vừa khai thác, quảng bá phát huy giá trị di tích.
N.D