11:11, 27/11/2015

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử: Kết nối niềm đam mê

Ra đời năm 2003, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa) đã trải qua nhiều thăng trầm. Hiện nay, hoạt động của Câu lạc bộ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn quyết giữ niềm đam mê.

Ra đời năm 2003, Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử (thuộc Trung tâm Văn hóa - THVH - tỉnh Khánh Hòa) đã trải qua nhiều thăng trầm. Hiện nay, hoạt động của CLB vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng những người yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn quyết giữ niềm đam mê.

Cùng gắn kết


Theo chị Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử, khoảng năm 1989, cặp đôi nghệ sĩ Hoàng Lan - Trương Liễu (diễn viên đoàn cải lương Hoa Biển) tập hợp các anh em yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ở Nha Trang cùng sinh hoạt. Sau nhiều năm hoạt động theo kiểu tự phát, được sự động viên của lãnh đạo THVH tỉnh, năm 2003, CLB Đờn ca tài tử chính thức được thành lập với 15 thành viên. Từ đó đến nay, hàng tuần, các hội viên CLB vẫn tụ họp tại nhà chị Kim Chi (đường 2-4, Nha Trang) để cùng luyện tập, chia sẻ niềm đam mê loại hình âm nhạc đặc trưng của Nam Bộ.

 

Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử biểu diễn bản vọng cổ “Dạ cổ hoài lang”
Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử biểu diễn bản vọng cổ “Dạ cổ hoài lang”


Hiện tại, CLB Đờn ca tài tử có hơn 30 thành viên (7 người chơi nhạc cụ, còn lại là ca) đến từ nhiều ngành nghề khác nhau... “Điểm chung gắn kết của tất cả mọi người chính là niềm đam mê âm nhạc tài tử. Bình thường, các thành viên CLB mỗi người một việc, nhưng khi có lịch biểu diễn, tất cả đều có mặt đông đủ. Nhiều anh em ở Ninh Hòa cũng cất công vào Nha Trang biểu diễn rồi về trong đêm”, chị Kim Chi chia sẻ.


Nhạc đờn ca tài tử rất dễ đi vào lòng người nghe. Tiếng guitar phím lõm, cùng đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị đã tạo nên những khúc nhạc lúc trầm bổng, khi réo rắt vui tươi như lời tự tình của sông nước quê hương. Chính vì vậy, trong những chương trình biểu diễn ở cơ sở, các tiết mục của CLB Đờn ca tài tử luôn thu hút sự theo dõi của khán giả. Để đáp ứng nhu cầu, ngoài những bài vọng cổ thuộc hàng “kinh điển”, các thành viên CLB còn tập thêm những bài ca về tình quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ... để biểu diễn phục vụ ở cơ sở. “Đến với nhau vì niềm đam mê âm nhạc tài tử, nhưng chúng tôi cũng xác định không chỉ chơi theo kiểu ngẫu hứng mà còn tập luyện có bài bản, ưu tiên các tiết mục có thể phục vụ các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân và khách du lịch”, anh Nguyễn Thái - Phó Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử cho biết.


Vẫn còn trăn trở


Sau 12 năm duy trì và phát triển, CLB Đờn ca tài tử đã có những đóng góp không nhỏ cho phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương; kết nối niềm đam mê âm nhạc. CLB đã tham gia hàng trăm đêm diễn do TTVH tỉnh tổ chức, biểu diễn phục vụ du lịch ở Công viên bờ biển (đối diện đường Tuệ Tĩnh), trong các dịp Festival Biển, tết Nguyên đán. Ngoài ra, CLB còn đi biểu diễn giao lưu ở Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Tuy Hòa (Phú Yên). Một số thành viên của CLB từng lọt vào vòng thi khu vực Nam Trung Bộ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ...


Tuy nhiên, đến nay hoạt động của CLB Đờn ca tài tử đang gặp khó bởi không có địa điểm để biểu diễn, gần như toàn bộ lịch diễn của CLB phụ thuộc vào lịch diễn của TTVH tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển hội viên cũng khó khăn. “Anh em tập luyện nhiều nhưng không được biểu diễn nên đôi khi cũng kém hào hứng. Chúng tôi cũng muốn đầu tư phục trang, xây dựng kịch mục biểu diễn phục vụ du lịch nhưng không có kinh phí... Một số thành viên của CLB đã lớn tuổi nên việc đào tạo lứa kế cận là rất cần thiết. Chúng tôi đã đề nghị TTVH tỉnh mở các lớp dạy về đờn ca tài tử nhưng đến nay chưa làm được”, chị Kim Chi bày tỏ.


Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thanh Minh - Phó Giám đốc TTVH tỉnh cho biết: “Những năm qua, CLB Đờn ca tài tử đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động văn hóa văn nghệ của trung tâm, tham gia hàng trăm đêm diễn phục vụ đồng bào ở cơ sở, đồng thời biểu diễn phục vụ du lịch. Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện để CLB duy trì hoạt động, tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước cũng có hạn, dù muốn hay không các thành viên lãnh đạo CLB phải nỗ lực duy trì”.


Thiết nghĩ, Khánh Hòa tuy không phải là cái nôi đờn ca tài tử, nhưng là địa phương phát triển mạnh về du lịch, ngành Văn hóa cần khuyến khích các hoạt động bảo tồn âm nhạc dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính các thành viên CLB Đờn ca tài tử cần nỗ lực vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc tài tử như chính tâm sự của những người đứng đầu CLB là sẽ quyết tâm duy trì hoạt động của CLB.


XUÂN THÀNH