Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được làm tốt hơn trước. Người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản để phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế.
Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) đã được làm tốt hơn trước. Người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản để phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế.
Ý thức bảo tồn di sản văn hóa ngày càng cao
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 16 di tích - danh thắng cấp quốc gia, 171 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn một số di tích, danh thắng có giá trị nhưng chưa được xếp hạng. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện khá tốt. Với vai trò là đơn vị quản lý chuyên môn, Trung tâm BTDT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích - danh thắng, tổ chức các lễ hội lớn gắn với các di tích (lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa), xây dựng các bia di tích. Bên cạnh đó, hàng năm, trung tâm tư vấn về chuyên môn và hỗ trợ kinh phí để tôn tạo các di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hỗ trợ kinh phí tổ chức các lễ hội truyền thống.
Tháp Bà Ponagar, một trong những di sản văn hóa đã phát huy được giá trị phục vụ du lịch |
Thời gian qua, Trung tâm BTDT tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động góp phần giới thiệu, phát huy giá trị DSVH của tỉnh. Cụ thể như phối hợp với các địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu DSVH dành cho học sinh THCS, THPT và cán bộ, công chức (tùy theo địa phương). Đồng thời, cán bộ của trung tâm đã có nhiều bài viết đăng báo, tạp chí, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về DSVH của xứ Trầm Hương. Hiện nay, trung tâm đang chuẩn bị triển lãm ảnh đối chứng Tháp Bà xưa và nay. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục lập hồ sơ công nhận các di tích có giá trị, trùng tu các di tích có nguy cơ xuống cấp, xây dựng các bia di tích vừa được công nhận; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.
Theo ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc Trung tâm BTDT tỉnh, những năm gần đây, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Nhiều địa phương đã chủ động vận động người dân đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn, khôi phục các lễ hội truyền thống. “Những năm trước, ở các địa phương có tình trạng “làm mới” di tích khi trùng tu tôn tạo, tuy nhiên nhờ được tuyên truyền nên thời gian gần đây, các địa phương, người dân đã có ý thức cao hơn trong việc bảo tồn DSVH, khi trùng tu tôn tạo đều xin phép, tham khảo ý kiến của trung tâm”, ông Thích nói. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng phát huy giá trị DSVH trong việc giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa... để nâng cao hiểu biết và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho học sinh.
Phục vụ du lịch còn hạn chế
Tại hội thảo về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch Việt Nam (tổ chức tại TP. Nha Trang) mới đây, nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Khánh Hòa đã làm tốt công tác bảo tồn DSVH, tuy nhiên việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Đến nay, Khánh Hòa mới chỉ có một số ít di tích, thắng cảnh như: Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi, lầu Bảo Đại... phát huy giá trị trong việc phục vụ du lịch, còn lại vẫn đang ở dạng tiềm năng. Đơn cử như Thành cổ Diên Khánh có giá trị lịch sử văn hóa, đã được đầu tư trùng tu tôn tạo nhưng lượng khách tham quan du lịch còn đơn lẻ. Hay Văn miếu Diên Khánh, lăng Bà Vú (Ninh Hòa), đền thờ Trần Quý Cáp... tuy có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa, giáo dục nhưng vẫn chỉ được giới nghiên cứu biết đến, chưa được khai thác nhiều về du lịch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thích bày tỏ: “Không phải di tích lịch sử văn hóa nào được xếp hạng cấp quốc gia hay cấp tỉnh cũng đều có thể khai thác phục vụ du lịch. Điều đó còn phụ thuộc việc kết hợp nhiều yếu tố như sự thuận lợi về giao thông, cảnh quan môi trường thiên nhiên xung quanh, sản phẩm du lịch bổ trợ... Có những cái đã sẵn có, nhưng có những cái cần phải tôn tạo mới có thể khai thác được”.
Năm 2015, Trung tâm BTDT tỉnh đã xây dựng hồ sơ công nhận 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng ở các chiến khu Đá Bàn, Hòn Hèo, Hòn Dữ, bia lưu niệm gắn với Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa… Trong năm, trung tâm đã hỗ trợ 480 triệu đồng để trùng tu các di tích; hỗ trợ hơn 148 triệu đồng để tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng Giang… |
Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lý giải: Thế mạnh du lịch biển đảo của Khánh Hòa quá lớn nên các đơn vị làm du lịch tập trung khai thác du lịch biển đảo, ít quan tâm đến du lịch văn hóa lịch sử mặc dù thực tế có nhiều di tích lịch sử không chỉ có ý nghĩa về lịch sử cách mạng mà còn có cả vẻ đẹp sinh thái, đủ điều kiện để phát triển du lịch như: Chiến khu Đồng Bò, Đá Bàn, Hòn Hèo... Hiện tại, ngành đang tham mưu tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với lịch sử văn hóa địa phương.
Thực tế cho thấy, du lịch là một trong những phương thức quảng bá và phát huy giá trị văn hóa sâu rộng, giúp DSVH khẳng định được vị trí và sức sống lâu bền của mình. Thời gian qua, việc bảo tồn DSVH đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị của DSVH, thời gian tới, ngành Văn hóa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, nhất là trong việc phục vụ du lịch.
XUÂN THÀNH