06:10, 14/10/2015

Nhà văn Lê Minh Phúc - Đi sớm nhưng đến muộn

Có tác phẩm đầu tay cách đây hơn 50 năm, nhưng mãi gần đây, nhà văn Lê Minh Phúc mới chuyên tâm sáng tác. Với văn chương, ông là người đi sớm nhưng đến muộn. Dẫu vậy, người đọc có thể hy vọng vào những tác phẩm "chín muộn" của ông!

Có tác phẩm đầu tay cách đây hơn 50 năm, nhưng mãi gần đây, nhà văn Lê Minh Phúc mới chuyên tâm sáng tác. Với văn chương, ông là người đi sớm nhưng đến muộn. Dẫu vậy, người đọc có thể hy vọng vào những tác phẩm “chín muộn” của ông!


Duyên nợ với văn chương


Nhận được tập truyện ngắn Dòng Nê-va lặng lẽ (tái bản) của tác giả Lê Minh Phúc gửi tặng, tôi bất ngờ bởi tên của người viết khá lạ lẫm. Lần theo tiểu sử mới biết, ông đã bén duyên với văn chương từ lâu lắm rồi.

 

Chân dung tác giả Lê Minh Phúc
Chân dung tác giả Lê Minh Phúc


Quê ở Diên Khánh, ông Lê Minh Phúc (sinh năm 1936) tham gia cách mạng từ năm 1953 ở chiến trường Phú Yên. Nhờ có khiếu văn nghệ, ông được tuyển chọn vào Đoàn văn công Quân đội Liên khu V rồi tập kết ra Bắc. Vốn yêu thích văn học nên ông cũng thử sáng tác. Năm 1956, truyện ngắn Sư trưởng và người cần vụ của ông được đăng trên báo Quân đội nhân dân; rồi ông được cử tham gia trại viết văn quân đội... Năm 1961, ông chuyển ngành rồi theo học Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó về công tác ở Tổng cục Địa chất. Năm 1968 - 1971, ông được cử đi Liên Xô (cũ) học về địa vật lý máy bay.   


Năm 1981, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức cuộc thi Truyện kể ở đại đội, ông Phúc gửi truyện ngắn Ngôi mộ bên bờ biển Đen dự thi và đoạt giải A. Thành công bất ngờ đã đánh thức niềm đam mê văn chương của ông Phúc. Thời gian sau đó, mỗi khi rảnh rỗi, ông lại viết truyện ngắn gửi đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Quân đội nhân dân, Lao động... Năm 1995, ông in tập truyện ngắn Dòng Nê-va lặng lẽ (Nhà xuất bản Thanh Niên), sau đó in tiếp tập truyện Người đàn bà trên tàu (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2001) và mới nhất là tiểu thuyết Tín đồ không tôn giáo (Nhà xuất bản Văn học, năm 2015).


Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết


Ông viết không nhiều, truyện ngắn của ông có nhiều tác phẩm gắn với nước Nga - đất nước từng lưu dấu nhiều kỷ niệm thời trai trẻ của ông. Đọc truyện của ông, người ta thấy được tình cảm sâu đậm với nước Nga qua những trang văn miêu tả về xứ sở bạch dương mênh mông tuyết trắng, với những con người đôn hậu. Bên cạnh đó, truyện của ông khắc sâu tình cảm Nga - Việt qua những mối tình, tình bạn bền chặt giữa những người của hai đất nước tuy xa nhau về địa lý nhưng gần nhau về lý tưởng mà ông là một chứng nhân lịch sử.


Truyện ngắn của Lê Minh Phúc thường đề cập đến số phận của những người phụ nữ và trí thức. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên trong truyện của ông rất tốt bụng, chung tình và nhiều khi phải chịu thiệt thòi, đau khổ. Đó là Hòa (Muộn mằn Florida), con gái của một gia đình trí thức Sài Gòn đem lòng yêu thầm người kỹ sư cộng sản chờ đợi đằng đẵng bao năm; Li-da (Dòng Nê-va lặng lẽ) với tình yêu và số phận bất hạnh... Với trí thức, luôn có những người khát khao canh tân đất nước, hết lòng say mê vì khoa học (Minh trong Dòng Nê-va lặng lẽ)...


Sau khi thử sức với truyện ngắn, mới đây, ông đã ra mắt tiểu thuyết Tín đồ không tôn giáo - tác phẩm của ông sau 4 năm về sống ở Nha Trang. Lấy bối cảnh của những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ở miền Trung, tiểu thuyết này xoay quanh đường đời của Trung - tín đồ sùng đạo của Thiên Chúa giáo đi theo cách mạng. Trong một lần chiến đấu bị thương, người lính ấy đã phải nương nhờ nhà chùa. Những ngày tháng sống ở chùa, anh đã ngộ ra rằng, Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo, đều hướng con người đến những điều tốt đẹp. Khoác lên mình chiếc áo nhà sư, nhưng người lính năm xưa vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng để đi hết con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tham gia quá trình hòa giải dân tộc. “Tôi viết tác phẩm này với mong muốn góp tiếng nói hòa hợp giữa các tôn giáo, muốn hướng tất cả đều thờ chung một đạo, đó là đạo làm người” - ông chia sẻ.


Với tiểu thuyết Tín đồ không tôn giáo, tác giả Lê Minh Phúc đã khẳng định được phần nào khả năng của mình trong địa hạt văn chương. Đi sớm nhưng về muộn, hy vọng ông sẽ có thêm những “trái chín muộn” ngọt ngào!


THÀNH NGUYỄN