10:10, 16/10/2015

Gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học "Sử học với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch Việt Nam".

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khoa học “Sử học với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch Việt Nam”. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khẳng định mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh giữa bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) và phát triển du lịch, cũng như việc khai thác DSVH ở Khánh Hòa.


Cần tái đầu tư cho di sản văn hóa


Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đặt vấn đề bảo tồn DSVH phải gắn với phát triển du lịch bền vững. “Khi thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, ngành Văn hóa cần đặt ra mục tiêu kép là không chỉ bảo tồn, chuyển giao các giá trị văn hóa nguyên gốc cho các thế hệ tương lai, mà còn phải tôn tạo di tích thích ứng với nhu cầu xây dựng sản phẩm du lịch. Du lịch văn hóa phải được nhìn nhận như một trong những phương thức quảng bá và phát huy giá trị văn hóa sâu rộng, giúp DSVH khẳng định được vị trí và sức sống lâu bền của mình”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam nhận định.

 

Làm gốm Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar
Làm gốm Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar


Để phát huy tốt giá trị di sản, theo các nhà nghiên cứu, ngành Du lịch cần có dịch vụ thích ứng với từng loại hình di sản, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao..., đặc biệt là phải có sự đầu tư trở lại cho văn hóa. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng: “DSVH không phải là tài nguyên vô tận, vì thế khi khai thác văn hóa để phục vụ phát triển du lịch cần phải “tái đầu tư” để bảo tồn DSVH. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã thu lợi rất nhiều trong việc khai thác di sản, nhưng không chịu đầu tư để tôn tạo, gìn giữ các DSVH”.  


Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, để bảo tồn DSVH một cách bền vững phải có sự tham gia trực tiếp của người dân, gắn với lợi ích của người dân. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương khi đưa các di tích lịch sử văn hóa vào khai thác đã “bỏ quên” lợi ích của người dân. “Việc mở rộng các khu dịch vụ phục du khách nhưng lại tổ chức đấu thầu các dịch vụ vô hình trung đã tách người dân khỏi việc chia sẻ lợi ích từ di sản, từ đó khiến cộng đồng không coi di sản là một phần trong đời sống của mình... Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân trân trọng bảo vệ DSVH, cần phải tạo cách cho người dân được hưởng lợi từ DSVH, có như vậy họ mới nỗ lực giữ gìn, phát huy”, TS Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) đặt vấn đề.


Cần xây dựng bảo tàng Khánh Hòa xứng tầm

 

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, Khánh Hòa có 16 di tích - danh thắng cấp quốc gia, 166 di tích cấp tỉnh (trong đó có 103 di tích lịch sử văn hóa, 8 di tích khảo cổ học, 17 di tích lưu niệm sự kiện).

Các nhà nghiên cứu khẳng định, Khánh Hòa có nhiều di sản để phát triển du lịch, đặc biệt là DSVH biển đảo và khảo cổ học. Tuy nhiên, Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc bảo tồn DSVH và phát triển du lịch như: bảo tồn không đồng bộ; không tái đầu tư tương xứng cả về trí lực và vật lực cho di tích; sản phẩm du lịch văn hóa mang tính lối mòn, thiếu sự đầu tư nghiên cứu. Hiện tại, Khánh Hòa có nhiều di tích có giá trị văn hóa lịch sử nhưng chưa được khai thác tốt như Thành cổ Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh, Am Chúa, lăng Bà Vú, quần thể di tích bác sĩ Yersin, địa điểm lưu niệm tàu C235... Các nhà nghiên cứu đề xuất, để phát huy giá trị của DSVH, ngành Du lịch Khánh Hòa cần đầu tư nghiên cứu, khai thác thêm các tour du lịch văn hóa; sản xuất các mặt hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương...


Đặc biệt, tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh cần sớm xây dựng Bảo tàng tỉnh xứng tầm với sự phát triển  kinh tế - xã hội của địa phương. “Bảo tàng không chỉ là nơi giữ gìn DSVH - lịch sử của cha ông mà còn là điểm để phục vụ du lịch. Du lịch Khánh Hòa rất phát triển, nhưng bảo tàng hoạt động èo uột, không thu hút du khách là sự bất cập”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ. Cùng ý kiến này, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, Bảo tàng Khánh Hòa cần được xây dựng và phát triển thành bảo tàng trọng điểm của khu vực Nam Trung Bộ. Trong việc tổ chức trưng bày, cần chú trọng đến thành quả nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn tỉnh, làm nổi rõ tính chất Sa Huỳnh và Champa của Khánh Hòa. Bên cạnh đó, trong tương lai cần đầu tư mạnh về mảng văn hóa biển đảo với ngành nghề truyền thống, kỹ nghệ đóng tàu truyền thống của người Việt. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề nghị xây dựng di tích khảo cổ Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) thành công viên khảo cổ học...


XUÂN THÀNH