06:10, 10/10/2015

Dấu ấn văn hóa truyền thống

Với những trò chơi dân gian, màn hát múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, những món ăn dân dã, Liên hoan các làng văn hóa tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV năm 2015 đã tạo nên ngày hội văn hóa đầy màu sắc.

Với những trò chơi dân gian, màn hát múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, những món ăn dân dã, Liên hoan các làng văn hóa tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV năm 2015 đã tạo nên ngày hội văn hóa đầy màu sắc.

Liên hoan diễn ra ngày 6 và 7-10 tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, với 8 làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh tham gia gồm: Phước Tân (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh), Bình Thành (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa), Phú Khánh Thượng (xã Diên Thạnh, Diên Khánh), Phú Cang 2 Nam (xã Vạn Phú, Vạn Ninh), Cửu Lợi 3 (xã Cam Hòa, Cam Lâm), A Thi (xã Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn), Suối Cá (xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh). Hơn 300 diễn viên, nghệ nhân thuộc 8 làng văn hóa đã cùng hội tụ làm nên một ngày hội văn hóa sôi nổi, đậm nét truyền thống qua các phần thi: chào hỏi, tài năng, trò chơi dân gian, ẩm thực, triển lãm.

 

Làng Văn hóa Suối Cá mang đến liên hoan nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo
Làng Văn hóa Suối Cá mang đến liên hoan nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo


So với những lần trước, liên hoan năm nay hấp dẫn hơn nhiều. Ở phần thi tài năng, người xem đã rất thích thú với màn vẽ tranh thư pháp về Bác Hồ của làng Phú Cang 2 Nam, màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc của làng Suối Cá, hát chầu văn của làng Phước Tân, biểu diễn nhạc cụ truyền thống của làng Bình Thành... Sôi nổi nhất chính là phần thi trò chơi dân gian. Làng văn hóa Suối Cá mang đến trò chơi tung còn của đồng bào người Tày, gợi nhớ đến những ngày Tết truyền thống ở vùng cao; làng văn hóa A Thi với trò chơi trụ quấn trầu của đồng bào Raglai. Cũng trong phần thi này, những trò chơi quen thuộc của người Kinh như bịt mắt đập niêu, cướp cờ... được các làng văn hóa dàn dựng đã đem đến những giây phút hào hứng, rộn rã tiếng cười cho cả người chơi lẫn người xem. Các trò chơi dân dã nhưng không kém phần sôi nổi ấy đã phản ánh phần nào đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Trầm Hương.

 


Hấp dẫn không kém là phần thi ẩm thực truyền thống. Các nghệ nhân của các làng văn hóa đã đem đến liên hoan nhiều món ăn độc đáo như: chả cá, chè trôi nước, bánh ướt, các món nướng của người vùng cao. Không hẹn mà gặp, 2 làng văn hóa Bình Thành và Phú Khánh cùng giới thiệu món bánh ướt dân dã. Hấp dẫn nhất phải kể đến món thịt heo đen nướng xiên kèm với rượu cần của làng văn hóa Suối Cá - một món ăn đậm đà hương vị núi rừng. Thịt heo đen nướng lên có lớp da giòn rụm, ăn kèm với rau thơm, sả, riềng và chấm với ruốc nguyên chất tạo nên hương vị đậm đà... Cũng mang dấu ấn vùng cao, làng văn hóa A Thi giới thiệu món canh rau rịa, ăn cùng cơm lam, gà vườn nướng, rượu cần của đồng bào Raglai. Ban giám khảo cũng như các thành viên của Ban tổ chức đã hết lời ngợi khen sự độc đáo của những món ăn này.

 

Món chả cá của làng văn hóa  Phú Cang 2 Nam
Món chả cá của làng văn hóa Phú Cang 2 Nam


Liên hoan phản ánh nét đẹp đời sống văn hóa truyền thống của người dân xứ Trầm Hương, những thành tích trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Những trò chơi dân gian, ẩm thực, trang phục, âm nhạc, điệu múa truyền thống đã phần nào thể hiện sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng đất này. Phần thi triển lãm cũng đã phản ánh được bộ mặt kinh tế - xã hội của các làng văn hóa. Nếu như các làng văn hóa vùng cao đem đến vật dụng truyền thống như: gùi, nỏ, ché rượu cùng các sản vật như: sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh... thì những làng văn hóa ở đồng bằng lại chọn các nông cụ, ngư cụ cùng các sản phẩm mỹ nghệ như: đúc đồng, đan lát, mộc để triển lãm. Bên cạnh đó, hình ảnh về các lễ hội truyền thống, di tích văn hóa lịch sử ở các địa phương cũng đã góp phần tô điểm thêm nét đẹp của các làng văn hóa.

 

Một trò chơi dân gian tại liên hoan
Một trò chơi dân gian tại liên hoan


Nghệ nhân Cao Dũng (Khánh Sơn) cho biết, đã lâu lắm rồi ông mới lại được sống trong không khí rộn ràng của ngày hội như thế này. “Chúng tôi rất mừng vì được giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, học tập những nét văn hóa hay trong cách xây dựng đời sống văn hóa mới của các địa phương khác”, nghệ nhân Cao Dũng nói.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức liên hoan đánh giá: “So với những lần tổ chức trước, Liên hoan các làng văn hóa tỉnh lần thứ IV được tổ chức tốt hơn, có nhiều phần thi mới giúp các đơn vị giới thiệu được những nét đẹp văn hóa truyền thống, cũng như những thành tích trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới”. Theo ông Hoa, liên hoan không chỉ dừng lại ở các giá trị tôn vinh, biểu dương các làng văn hóa, mà còn góp phần “đánh thức” những món ăn, trò chơi dân gian... đang có nguy cơ bị mai một. Đây cũng là dịp để các địa phương trong tỉnh học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.  


XUÂN THÀNH