06:10, 21/10/2015

Dấu ấn mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong văn học

Những ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến đã để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác văn học của xứ Trầm Hương, từ những vần thơ in đậm ký ức đến những trang tiểu thuyết tư liệu đầy chân thực…

Những ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến đã để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác văn học của xứ Trầm Hương, từ những vần thơ in đậm ký ức đến những trang tiểu thuyết tư liệu đầy chân thực…


Từ những vần thơ ký ức...


Với những cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, những ngày kháng chiến đã trở thành những ngày tháng không thể nào quên. Nhiều người đã có những trang văn, thơ ghi lại không khí hào hùng đó. Năm 2005, kỷ niệm 60 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Ban liên lạc 23-10 đã in tập thơ “Ngày đi - Ngày về”. Một trong những người viết nhiều nhất về đề tài này là Đại tá Đỗ Anh Tịnh - người từng có mặt trong đội tự vệ thành đánh vào Ga Nha Trang sáng 23-10-1945. Năm 1975, trong niềm vui ngày nước nhà thống nhất, ông làm bài thơ Ngày đi - Ngày về gợi lại một thời oai hùng đã qua: Nha Trang! Nha Trang! Phủ đầy khói lửa/Lớp trẻ chúng tôi gươm súng lên đường/…/Lòng quyết tử vì quê hương ruột thịt/Tổ quốc lâm nguy, ơn nghĩa báo đền. Bài thơ như cuốn phim tư liệu tua chậm, hình ảnh các tầng lớp nhân dân Nha Trang hòa mình vào cuộc chiến được tác giả khắc họa rất chân thật: Người thợ Nhà Đèn đóng cầu dao tắt máy/Mặt nhọ than, dầu chưa kịp rửa lau/Xách súng nhập cùng công nhân xe lửa/Rút kiếm xung phong khi giặc chiếm đường tàu... Trong bài thơ Đêm 23 tháng 10, ông ghi lại cảnh chiến đấu ở Ga Nha Trang, Nhà Đèn... mà mình là chứng nhân lịch sử: Khắp thị xã rền vang tiếng súng/…/Cả đoàn quân như bão tố cuồng phong/Lao vào giặc không kể gì bom đạn…

 


Thơ viết về mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa của tác giả Thái Hoàng Minh lại nổi bật tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…”/Tiếng hát một thời náo nức/Giục ta đi cứu sơn hà/Tiếng hát hào hùng một thuở ông cha/Thức dậy hồn thiêng đất nước/… /Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh...


Không chỉ có ký ức hào hùng, thơ về đề tài Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến còn là niềm tiếc thương, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nước; phút gặp nhau bồi hồi xúc động của những người lính trẻ nay tóc đã bạc, như dòng hồi ức của tác giả Nguyễn Long Huy: Năm nay các anh không về/Các anh không về mãi mãi/Chúng tôi còn sống lại/Nguyện hát tiếp một lời ca/Nha Trang thân yêu bao ngày yêu mến/Nha Trang thân yêu bao ngày đẫm máu quân thù…


Đến tiểu thuyết tư liệu


Bên cạnh những vần thơ của người trong cuộc, chiến công oai hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của chiến sĩ, nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến còn trở thành cảm hứng để nhà văn Mai Văn Trọng viết nên tiểu thuyết tư liệu Lời thề độc lập (xuất bản năm 2010). Với cuốn tiểu thuyết này, nhà văn đã dẫn dắt độc giả về với không khí sục sôi của những ngày kháng chiến, tái hiện được nhiều sự kiện lịch sử của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, việc xây dựng căn cứ địa Đồng Trăng, khu phòng tuyến Chợ Mới - Bretelle; trận đánh quân Nhật ở Ga Nha Trang, trận đánh quân Pháp đồn trú tại Viện Pasteur; các hoạt động ở Diên Khánh - vùng hậu phương kháng chiến; cảnh người dân lần đầu tiên cầm phiếu đi bầu cử... Đặc biệt, tác phẩm đã làm bật lên phẩm chất anh dũng, bất khuất của những đội viên tự vệ thị xã, những chiến sĩ trong các đoàn quân Nam tiến; những người thợ quân khí, các nữ cứu thương hay những người bà, người mẹ ở hậu phương...


Cùng với những trang văn miêu tả không khí chiến đấu, khí thế cách mạng, Lời thề độc lập còn thể hiện tình cảm thiết tha, trìu mến của người dân dành cho các chiến sĩ, của đồng bào miền Nam dành cho những người con miền Bắc. Hiển hiện lên trong tình cảm của mọi người là niềm tin, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Dấu ấn mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa còn in đậm trong tiểu thuyết hồi ký Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình (Trần Công Tấn, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2004). Trong cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà quân sự và ngoại giao Hà Văn Lâu, nhà văn Trần Công Tấn đã dành 2 chương (Mặt trận Nha Trang; Mở phòng tuyến giam chân địch) để phản ánh những năm tháng Đại tá Hà Văn Lâu cùng các nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Thiếu tướng Hà Vi Tùng, Trung tướng Nam Long, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn... chiến đấu ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa.


XUÂN THÀNH