06:10, 15/10/2015

Bộ sưu tập tem độc đáo về đa dạng sinh học biển

Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Yasuwo  Fukuyo (67 tuổi), nguyên giảng viên Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản), nguyên Phó Chủ tịch IOC/WESTPAC. Ông là một chuyên gia đầu ngành về tảo độc. Những năm qua, ông đã hợp tác và hỗ trợ Viện Hải dương học Nha Trang, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu và góp phần đào tạo cán bộ khoa học cho Viện đạt nhiều hiệu quả.

Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Yasuwo  Fukuyo (67 tuổi), nguyên giảng viên Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản), nguyên Phó Chủ tịch IOC/WESTPAC. Ông là một chuyên gia đầu ngành về tảo độc. Những năm qua, ông đã hợp tác và hỗ trợ Viện Hải dương học Nha Trang, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu và góp phần đào tạo cán bộ khoa học cho Viện đạt nhiều hiệu quả.

Chân dung ông Yasuwo Fukuyo
Chân dung ông Yasuwo Fukuyo


Trong chuyến công tác tại Nha Trang vừa qua, GS-TS Yasuwo Fukuyo đã mang theo một bộ sưu tập gần 1.000 con tem về sinh vật biển, các dạng sinh học đại dương và những hoạt động tương tác giữa con người với biển... thể hiện trên tem bưu chính của thế giới. Đây chỉ là một bộ sưu tập nhỏ trong số hơn 30.000 con tem mang các chủ đề khác mà ông Yasuwo Fukuyo đã sưu tập cho đến nay. Và ông đã trao tặng bộ sưu tập đặc biệt có tên gọi “Sự sống ở biển” cho Viện Hải dương học để trưng bày trong bảo tàng của Viện, nhằm góp phần mở rộng sự hiểu biết, lòng yêu thiên nhiên của khách tham quan... “Tôi muốn chia sẻ niềm đam mê với các bạn sưu tập tem và tình yêu thiên nhiên, biển cả... với đông đảo công chúng đến với thành phố biển Nha Trang mà tôi mến yêu...” - ông bày tỏ.

 

Một khung tem trong bộ sưu tập “Sự sống ở biển”
Một khung tem trong bộ sưu tập “Sự sống ở biển”


Bộ tem độc đáo này cũng đã được trưng bày tại Triển lãm tem bưu chính - Khánh Hòa 2015 vừa qua. Bộ sưu tập gồm 10 khung nhôm kính cỡ 60x90, mang 10 tiêu đề khoa học - nhân văn về biển như: Tình yêu biển cả; Bò sát, chim và thú biển - Sứ giả của đất liền; Cá - Nguồn sống từ biển; Giáp xác - Chiến binh biển cả; Cá rạn san hô - Chủ nhân thủy cung; Thân mềm - Quà tặng từ biển; Thực vật - Cây trong lòng biển; San hô và Hải quỳ - Thiên thần của biển; Sinh vật phù du - Biển cả mong manh; Cá Mao tiên - Biểu tượng của Viện Hải dương học... Mỗi tiêu đề của một khung được tác giả trưng bày trên 4 trang, mỗi trang giới thiệu từ 15 đến 25 tem và block tem của nhiều nước chuyên về một loài, một họ hay một lớp... Chẳng hạn như bộ tem của Việt Nam Cá rạn san hô (ngày 8-7-2000) có 6 mẫu tem, tác giả chia vào các trang theo đặc điểm khoa học và môi trường sinh thái... Trên mỗi trang đều là tem của nhiều nước cùng mang tên khoa học của loài sinh vật đó và không cần diễn giải gì hơn...


Có thể nói, đây là bộ sưu tập chuyên sâu về sinh vật biển và đa dạng sinh học của đại dương... có tính khái quát tổng hợp cao nhưng dễ hiểu, được đông đảo khách tham quan thích thú, nhất là các nhà sưu tập tem có dịp học tập về cách chơi, cách sưu tập tem về nghề nghiệp của GS-TS Yasuwo Fukuyo.


PHẠM KHÁNH HỒNG