10:09, 25/09/2015

Vũ Đức Sao Biển: "Thu hát cho người"

Giữa muôn nghìn bài hát lãng mạn, u buồn về tình yêu thì "Thu hát cho người" vẫn đứng riêng ở một góc trời đầy kiêu hãnh,  được rất nhiều người yêu thích suốt hơn 45 năm qua.

Giữa muôn nghìn bài hát lãng mạn, u buồn về tình yêu thì “Thu hát cho người” vẫn đứng riêng ở một góc trời đầy kiêu hãnh,  được rất nhiều người yêu thích suốt hơn 45 năm qua.


Phải nói rằng đây là bài hát có giai điệu sang trọng, ca từ diễm lệ. Mỗi câu, mỗi chữ hợp thành như một bài Đường Thi: Khúc chiết, gợi hình ảnh chứa đựng nỗi hoài cảm thăm thẳm tâm hồn của người đã từng yêu và sẽ yêu mãi mãi. Khi nghe bài hát, người ta cứ ngỡ đang đứng trước một bức tranh sơn thủy hữu tình mờ ảo, đầy màu sắc hoài cổ...

 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển


Vũ Đức Sao Biển kể, khi còn bé, ông được anh trai tặng cây đàn Măng đô lin, từ đó ông say mê chơi nhạc và học nhạc lý. 18 tuổi, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm khoa Việt - Hán và Đại học Văn khoa Triết, đồng thời học thêm về nhạc. Có lẽ đây là nền tảng cho sự nghiệp của ông sau này, đồng thời ảnh hưởng tới phong cách sáng tác của ông. Sau mấy năm học ở phương xa, ông trở về quê hương Quảng Nam đúng vào mùa thu. Nhạc sĩ kể rằng, mùa thu ở Quảng Nam rất đẹp. Vào khoảng tháng 9, tháng 10, cảnh sắc với tháp cổ Mỹ Sơn rêu phong hoang phế, dòng sông Thu Bồn uốn lượn xanh biếc, những đồi sim lá bạc như tuyết, hoa tím mênh mông vời vợi, mây trời bàng bạc đụn kín chân trời xa... Chàng trai 20 tuổi đứng giữa núi đồi quê hương, nhìn theo dòng sông thu chợt nhớ tới một người của trái tim ở cuối dòng, lòng dâng lên cảm xúc: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa...


Như đã nói, Vũ Đức Sao Biển được học rất sâu về nền văn chương Hán cổ, đặc biệt là Đường Thi nên như lẽ tự nhiên, nhạc sĩ đã đưa hình ảnh đẹp tới huyền ảo vào ca khúc của mình: Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Ca từ trên lấy tứ từ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đời Đường: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/Bạch vân thiên tải không du du - Hạc vàng đi mất từ xưa/Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay (bản dịch của Ngô Tất Tố). Không có hình ảnh nào đẹp hơn cánh hạc bay giữa ráng chiều thu, tuy rằng đây chỉ là ảo ảnh không thực nhưng tâm hồn người nhạc sĩ thì chấp chới những cánh hạc bay. Sau khi cánh hạc bay về phía chân trời xa, nhạc sĩ cúi xuống chân mình thực tại, nơi có những bụi sim tím đang rung rinh. Màu tím hoa sim đã nổi tiếng trong thơ Hữu Loan và thành nhạc thì với Vũ Đức Sao Biển, hoa sim ở đây còn lưu luyến hơn, nhung nhớ hơn: Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ. Để ý một chút thì thấy, trong lời ca, nhạc sĩ làm từng cặp đối xứng về nội dung và ý nghĩa: đi - về; trời - đất; đêm - sáng... cứ lặp đi lặp lại như hồi ức của những con sóng lòng da diết, buồn nhớ mênh mang. Tuy nhiên, ông cũng hiểu sử dụng nhiều những điển tích và hình ảnh thơ cổ sẽ làm cho bài hát trở nên khuôn sáo, thiếu hồn thực tại, do vậy về sau này, ông hoàn toàn làm chủ về ca từ hiện đại nhưng vẫn dưới màu sắc hoài cổ để đúng với tông định của mình.


Thường thì trong một bài hát hay chỉ được một vài câu đắt giá, nhưng Thu hát cho người lại có rất nhiều câu hay tới mức toàn mỹ về ý nghĩ hình ảnh và nội hàm chứa đựng khái quát, nhưng hay nhất vẫn là câu: Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư - ca từ hòa quyện với nốt nhạc cao vút tới cháy bỏng, tạo cao trào để trở thành chủ đạo cho bài hát.


Vũ Đức Sao Biển sáng tác bài hát này khi tròn 20 tuổi - năm 1968. Khi được hỏi làm sao ông có thể sáng tác một bài hát hay, kỹ thuật ở mức cao, ca từ diễm lệ, ông chỉ cười: “Đó là duyên trời”. Đây là ca khúc rất khó hát nên các ca sĩ chuyên nghiệp ai cũng muốn chinh phục nó. Theo thống kê, kể từ ngày ra đời tới nay đã có 72 ca sĩ thể hiện ca khúc này, mỗi người một vẻ, không ai giống ai. Với thời hiện tại thì Quang Dũng và Bằng Kiều là 2 giọng ca thể hiện thành công nhất.


Chỉ cần với một Thu hát cho người, Vũ Đức Sao Biển đã lấp lánh trên bầu trời âm nhạc, vậy mà ông còn làm được nhiều hơn thế nữa khi có chùm ca khúc nổi tiếng không kém mang âm hưởng dân ca Nam Bộ như: Điệu buồn phương nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang… Ông còn là “nhà Kim Dung học”, nhà báo với đủ thể loại chính luận, phiếm luận, nhưng trên tất cả vẫn là người thầy giáo - nghệ sĩ tài hoa hiếm có.


 LÊ ĐỨC DƯƠNG