06:09, 05/09/2015

Công trình nghiên cứu nhiều ý nghĩa

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện đề tài khoa học "Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa" do thạc sĩ Lê Khánh Mai làm chủ nhiệm. Đây là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu chuyên ngành về văn học dân gian người Việt ở xứ Trầm Hương.

 

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện đề tài khoa học “Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa” do thạc sĩ Lê Khánh Mai làm chủ nhiệm. Đây là lần đầu tiên có công trình nghiên cứu chuyên ngành về văn học dân gian người Việt ở xứ Trầm Hương.


Đề tài được thực hiện từ tháng 7-2014 đến tháng 12-2015. Ngoài nhà thơ - thạc sĩ Lê Khánh Mai, nhóm thực hiện còn có nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức, nhạc sĩ Hình Phước Liên, nhà báo Phạm Ngọc Anh, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, Trần Kiêm Hoàng. Theo nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, từ năm 1975 đến nay, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống trên địa bàn. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian trên địa bàn tỉnh đã được các nhà nghiên cứu quan tâm theo đuổi, tiêu biểu là nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh (đã mất). Đến nay, đã có nhiều công trình sưu tầm, khảo cứu về văn học dân gian của xứ Trầm Hương được xuất bản thành sách như: Thơ ca dân gian Phú Khánh (tập 1) của nhóm tác giả Trần Việt Kỉnh, Hà Nam Tiến, Nguyễn Chí Trang (1982); Truyện cổ dân gian Phú Khánh - Trần Việt Kỉnh, Trần Trung Thành, Chu Thanh Bằng (1987); Truyền thuyết dân gian Khánh Hòa - Trần Việt Kỉnh (2008); Thơ ca dân gian trữ tình trên vùng đất Khánh Hòa - Trần Việt Kỉnh (2011); Ca dao dân ca Ninh Hòa - Trần Việt Kỉnh chủ biên với sự cộng tác của các tác giả Đỗ Công Quý, Cao Nhật Quyên, Võ Triều Dương, Đỗ Độ (2006)... Ngoài ra, một số tác phẩm thuộc các lĩnh vực địa chí, văn hóa dân gian Khánh Hòa cũng đề cập đến văn học dân gian như: Địa chí Khánh Hòa (2003); Đất nước - Con người Khánh Hòa - Trần Việt Kỉnh (1989); Văn hóa dân gian Khánh Hòa vài nét đặc trưng - Trần Việt Kỉnh (2006); Những chuyện kể dân gian tại Khánh Hòa - Lê Quang Nghiêm (2004), Vạn Ninh - Đất và người - Võ Khoa Châu (2008); Người Ninh Hòa kể chuyện xưa - Võ Triều Dương (tập 1-2012, tập 2-2014), Vọng âm của mạch ngầm - Lê Khánh Mai (2009)...

 

Hò Bá trạo - thể loại được đưa vào đề tài khoa học “Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa”
Hò Bá trạo - thể loại được đưa vào đề tài khoa học “Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa”


Theo các nhà nghiên cứu, công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa tuy đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn hạn chế. Đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về các loại hình văn học dân gian của người Việt ở xứ Trầm Hương. Một số công trình đã được xuất bản song hầu hết còn mang tính riêng lẻ và chỉ mới dừng lại ở mức độ sưu tầm, giới thiệu chứ chưa đi sâu vào nghiên cứu chuyên ngành. Đó là chưa kể hầu hết các tác phẩm này mới chỉ giới thiệu được một phần ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ, còn lại đang bỏ trống một số thể loại khác như câu đố, vè, truyện thơ, sân khấu dân gian. “Việc thực hiện đề tài khoa học Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa là rất cần thiết và sẽ có giá trị lâu dài, làm nền tảng cho việc nghiên cứu về văn học - nghệ thuật của xứ Trầm Hương”, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên khẳng định.


Theo nhà thơ Lê Khánh Mai, trong đề tài, nhóm thực hiện sẽ nghiên cứu tất cả các thể loại văn học dân gian của người Việt gồm: truyện cổ tích, truyền thuyết, tục ngữ, ca dao - dân ca, vè, câu đố, truyện thơ - vãn ca, truyện ngụ ngôn, truyện cười, hò bá trạo, trò diễn dân gian “Đản xà - Trảm mộc”, bài chòi trải chiếu. “Chúng tôi sẽ tập trung làm rõ 3 mảng lớn: nội dung, hình thức nghệ thuật của văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa và phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn học dân gian”, nhà thơ Lê Khánh Mai nói. Để thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tổ chức cho các cộng tác viên ở các địa phương sưu tầm bổ sung thêm tư liệu cho việc nghiên cứu, sử dụng những công trình tư liệu mới nhất về văn học dân gian ở Khánh Hòa (ví dụ như bản thảo tập sách Văn học dân gian Vạn Ninh của nhà nghiên cứu Võ Khoa Châu). Đến nay, nhóm đã hoàn thành 24 chuyên đề nghiên cứu, 1 bộ phim tài liệu, tổ chức 2 hội thảo khoa học cấp cơ sở để làm rõ những đặc trưng cơ bản của các loại hình văn học dân gian Khánh Hòa. Bước đầu có thể thấy, văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa rất đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, phản ánh tâm tư tình cảm, nét đẹp trong đời sống lao động, tín ngưỡng của người dân. Về nghệ thuật, văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa mang nét chung của văn học dân gian của người Việt nói chung, nhưng cũng có những nét riêng. “Từ các chuyên đề nghiên cứu này, chúng tôi sẽ tổng hợp, viết thành báo cáo khoa học nhằm khái quát để tìm ra những đặc trưng cơ bản, giá trị của văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa. Đồng thời, đề xuất các phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn học dân gian trên địa bàn tỉnh”, nhà thơ Lê Khánh Mai cho biết.


Trong tình hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống đang ngày bị mai một, việc thực hiện đề tài khoa học “Văn học dân gian người Việt ở Khánh Hòa” là cần thiết. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh dự định sau khi đề tài hoàn thành sẽ xuất bản thành sách. “Công trình nghiên cứu này không chỉ phục vụ cho các nhà nghiên cứu, học sinh - sinh viên tìm hiểu về chuyên ngành văn học, mà còn rất hữu ích đối với việc nghiên cứu về văn hóa dân gian ở Khánh Hòa” - nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhận định.


XUÂN THÀNH