Về Vạn Giã, hỏi thăm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Khoa Châu hầu như ai cũng biết. Nhắc đến ông, mọi người nhớ đến một người am hiểu văn hóa vùng đất Vạn Ninh.
Về Vạn Giã, hỏi thăm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) Võ Khoa Châu hầu như ai cũng biết. Nhắc đến ông, mọi người nhớ đến một người am hiểu văn hóa vùng đất Vạn Ninh.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Khoa Châu |
Sinh ra ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nhưng phần lớn cuộc đời của nhà nghiên cứu VHDG Võ Khoa Châu lại gắn với xứ Vạn. Làm việc ở Trung tâm Văn hóa huyện Vạn Ninh nên ông có điều kiện sưu tầm VHDG. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông lại đi về các làng quê để tìm hiểu các ngành nghề, món ăn truyền thống, rồi chuyện đất chuyện người... Sau những bài viết lẻ, năm 2008 ông cho xuất bản tập sách Vạn Ninh - đất và người (ghi chép, khảo cứu về những nhân vật lịch sử, địa danh nổi tiếng ở Vạn Ninh). Năm 2010, Võ Khoa Châu cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Trung cho ra mắt tập sách Hồn quê xứ Vạn (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội). Tập sách gồm 3 phần: Cơm trước mặt (giới thiệu đất đai màu mỡ, trù phú, núi rừng nhiều tài nguyên quý hiếm của Vạn Ninh), Cá sau lưng (đề cập đến sự giàu có của biển, các vùng đảo đẹp, ẩn chứa tiềm năng to lớn về kinh tế biển), Dấu xưa (giới thiệu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và nền văn hóa đa dạng, phong phú lâu đời của vùng đất Vạn Ninh). Hiện nay, ông đang cho in công trình sưu tầm Văn học dân gian Vạn Ninh. Trong công trình mới này, Võ Khoa Châu đã bỏ ra nhiều công sức sưu tầm đủ các thể loại văn học dân gian như: ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đố, hát bá trạo, vè, truyện cổ, giai thoại, truyền thuyết, bài chòi... “Trong quá trình đi sưu tầm, khảo cứu về VHDG, tôi nhận thấy văn học dân gian của Vạn Ninh rất thú vị. Nó vừa mang những nét chung của khu vực Nam Trung Bộ với nhiều dấu tích của cư dân các vùng Thuận - Quảng, Nghĩa Bình di dân vào, đồng thời lại có những nét riêng của một vùng đất mới”, Võ Khoa Châu nói. Ít người biết, ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu VHDG, Võ Khoa Châu còn sáng tác thơ. Thơ ông chính là những gì đã chiêm nghiệm và chắt lọc từ cuộc sống, thêm vào đó là những thổn thức nhớ quê lúc nào cũng như chực trào tuôn chảy, thăng hoa.
Võ Khoa Châu vốn nặng tai, nói chuyện gì cũng phải hỏi vài lần ông mới nghe ra, vậy mà con người ấy lại đam mê công tác sưu tầm. Gọi điện cho ông, lúc thì đang đi đâu đó ở cơ sở, khi lại đang ngồi với nhóm ngư dân vạn chài. Cũng nhờ hay lân la với người dân lao động nên ông rất rành về văn hóa ẩm thực dân gian. Những lần đến Vạn Ninh, tôi đều được Võ Khoa Châu giới thiệu những món ăn dân dã đầy chất văn hóa của xứ Vạn. Đó là món gỏi cá đục, cá rô đâm xóc, mắm sút... Cách ông tả về cách làm, mùi vị, màu sắc của những món ăn dân dã nhưng đầy chất văn hóa ấy đã thể hiện sự trân trọng, yêu mến văn hóa ẩm thực dân gian của người đàn ông ngoại lục tuần này.
Võ Khoa Châu là vậy, bao năm cứ nhẩn nha nhặt nhạnh để giữ lại những nét văn hóa của một vùng đất. Hỏi chuyện vì sao lại đắm đuối với VHDG đến vậy, ông cho biết mình biết ơn mảnh đất này. Bởi không sinh ra ở xứ Vạn, nhưng dòng đời đưa đẩy ông đến mảnh đất này, đậu lại ở đây để rồi bây giờ có một gia đình ấm êm hòa thuận, con cái học hành và có nghề nghiệp ổn định. Vậy là quá đủ cho một người làm văn hóa, văn nghệ tài tử như ông.
Yêu quê hương Vạn Ninh, nhưng Võ Khoa Châu vẫn không nguôi nỗi nhớ về xứ Quảng. Xa quê từ tuổi đôi mươi, ông luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ bên mình. Trong nỗi nhớ ấy có cả nỗi nhớ về những món ăn quê mùa mẹ nấu từ thuở thiếu thời bao năm tưởng chừng quên lãng, để rồi một ngày kia khi đã bước qua gần trọn đời người lại bừng thức. “Đường về Tiên Phước, sông Cà Đong nghẹn dòng trôi ngược, bịn rịn dùng dằng, như thầm trách người con xứ Quảng ly hương, sao những bấy lâu mới về thăm quê kiểng. Mấy buổi chiều nay mưa nguồn chớp bể. Ngó lên cửa rừng mờ mịt, ngậm ngùi nhớ mẹ ngày xưa, nhớ câu ca dao da diết: Mẹ ơi đừng đánh con đau/Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ... Ký ức tuổi thơ mở ra, khi một người bạn thơ mời ăn bát cháo ốc đá trung du sơn dã, nhưng lại thấm đậm tình nghĩa quê hương cội nguồn”, đọc những câu văn ấy, những người con xa quê chắc hẳn ai cũng bùi ngùi nhớ quê.
Mỗi vùng đất thường có những người viết sử làng, người sưu tầm VHDG để giữ lại những nét đẹp văn hóa, giữ lại hồn cốt của vùng đất đó. Nếu như Ninh Hòa có nhà nghiên cứu VHDG Võ Triều Dương, thì Vạn Ninh có Võ Khoa Châu. Chính họ với những đóng góp thầm lặng đang giữ những nét văn hóa của mảnh đất mình gắn bó.
XUÂN THÀNH