08:09, 29/09/2015

Lặng nghe Thư ký Bác Hồ kể chuyện

Tập hợp những câu chuyện cảm động do ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của Bác Hồ kể lại, cuốn sách Thư ký Bác Hồ kể chuyện do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sưu tầm biên soạn, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc dung dị, ....

Tập hợp những câu chuyện cảm động do ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của Bác Hồ kể lại, cuốn sách Thư ký Bác Hồ kể chuyện do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sưu tầm biên soạn, Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc dung dị, sâu lắng và hơn cả là nỗi nhớ Bác khôn nguôi. Mỗi câu chuyện nhỏ là một bài học lớn, khi thời gian càng lùi xa thì những giá trị được đúc rút qua từng câu chuyện kể về Người càng sâu sắc và lay động nhiều hơn.

 


Gần 1/4 thế kỷ làm thư ký của Bác, sau ngày Người đi xa, ông Vũ Kỳ đã dành trọn cuộc đời còn lại để giữ gìn và phát huy di sản tinh thần vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Khi còn sống, Bác Hồ trìu mến gọi ông là “chú tiểu đồng”; sau ngày Bác mất, một dấu ấn Vũ Kỳ được thể hiện đậm nét qua những trang viết của ông về Bác. Cho đến cuối đời, người thư ký tận tụy, trung thành ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm, đó là còn nhiều điều ông chưa kịp viết hết, chưa kịp kể hết về Bác Hồ kính yêu.


Thư ký Bác Hồ kể chuyện vì thế có thể xem là một trong những trích đoạn sống động trong dòng ký ức đầy cảm xúc về Người của ông. Những câu chuyện được kể lại bằng giọng văn dung dị, giống như tính cách, lối sống giản dị, gần gũi mà suốt cuộc đời ông đã được học và thấm thía từ Người. Trong bài “Bác Hồ từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc. Nhớ mãi những giờ phút đầu tiên”, ông đã kể lại câu chuyện về bước ngoặt cuộc đời mình. Buổi tối 27-8-1945 tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng đó là buổi tối đáng ghi nhớ, khi ông được ông Trần Đăng Ninh dẫn đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội để nhận nhiệm vụ quan trọng, rồi từ đó trở thành người thư ký thân cận cho đến ngày Bác qua đời. “Thế là tôi đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hình ảnh thiêng liêng đối với lớp đảng viên chúng tôi hồi trước cách mạng mà trong những ngày tù ở Hỏa Lò, đêm đêm tôi vẫn thường mơ. Nguyễn Ái Quốc thực, khác hẳn với Nguyễn Ái Quốc trong mơ. Hiền từ và vô cùng giản dị”... Rồi, “Nỗi lo của tôi bớt dần vì Cụ hiền hậu, gần gũi và thân thiết quá! Trong giây lát, tôi tranh thủ ngắm Cụ. Người gầy, mắt sáng, râu thưa, trán rộng và cao...”, dòng hồi ức về giờ phút đầu tiên ông được gặp Người, khi vừa bước vào tuổi 25.


Kể từ bước ngoặt đó, những câu chuyện trong chuỗi ngày tháng được kề cận bên Bác đã được Vũ Kỳ chắt chiu, lưu giữ để sau này trở thành kho tư liệu sống động, giúp ông thực hiện sự nghiệp gìn giữ, phát huy di sản Hồ Chí Minh. Ông kể chuyện về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập; nhớ về hình ảnh Người đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945; “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” ngày 1-3-1947 được Bác viết từ chùa Một Mái (thuộc huyện Quốc Oai), một văn kiện lịch sử, tài liệu học tập quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc bấy giờ...


Sống bên Bác, hiểu được những tâm tư, tình cảm của Người nên những dòng hồi ức cũng chất chứa nhiều điều tâm tư đó. Trong bài viết Những đêm giao thừa Bác đến với người nghèo, ông Vũ Kỳ kể: “... trong cuộc “vi hành” đêm 30 Tết của mùa xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết. Cũng đêm 30 Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui xuân cùng nhân dân yêu quý của mình ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già theo cháu đi hái lộc...”.


Trong Những bức thư tâm huyết ngày đầu cách mạng, Vũ Kỳ viết: “Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến việc làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự trở thành Nhà nước của nhân dân, do dân, vì dân”. Ông thấm thía từng lời dạy, tư tưởng của Người để truyền đạt lại qua những dòng viết thấu tình, đạt lý.


Rồi còn những lá thư: Thư của các đồng chí giúp việc Bác, Thư của các đồng chí trông nom nhà Bác, Thư viết từ thủ đô Hà Nội, Thư kể chuyện Bác Hồ làm việc, Thư kể về những Tết của Bác Hồ, Thư kể chuyện theo Bác về quê... mà ở đó, mỗi lá thư lại là những câu chuyện về cuộc đời giản dị và nhân cách bao la, vĩ đại của Người.


46 năm kể từ ngày Bác đi xa, thật may mắn khi những thế hệ hôm nay vẫn được nghe lại nhiều câu chuyện không bao giờ cũ đó qua những câu chuyện kể từ người thư ký thân cận với Bác...


HÀ PHƯƠNG (vanhoa online)