10:09, 08/09/2015

Hương ổi vào thơ mùa thu

Một sự tình cờ đầy hữu ý, trong 2 bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng và Hữu Thỉnh có một hương vị rất mộc mạc, chân quê, đó là hương ổi chín.

Một sự tình cờ đầy hữu ý, trong 2 bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng và Hữu Thỉnh có một hương vị rất mộc mạc, chân quê, đó là hương ổi chín.


Quang Dũng với “Những cây ổi thơm ngày ấy”

Bài thơ tình “Không đề” của nhà thơ Quang Dũng, chất kiêu hùng thể hiện rõ ngay trong hai câu đầu tiên: Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa. Nếu ai biết Quang Dũng sẽ hiểu vì sao nhà thơ không dùng đại từ “anh” mà lại là “ta”. Đó là vì tính chất thời gian ở đây mang tính cổ điển. Nhưng rồi chỉ thế thôi, thi sĩ đã bỏ ngay để về với thực tại nồng nàn say đắm của mình với người yêu xưa. Quang Dũng xưng “anh” trong phần còn lại của bài thơ, chính vì thế làm cho câu thơ đột ngột đổi vị như lời định vị chắc chắn nhưng đầy nuối tiếc về thời gian. Không gì hơn nhân chứng cho điều nhà thơ đang thốt lên chính là Những cây ổi thơm ngày ấy/Và vầng hoa ngâu mưa thu/Tóc anh đã thành mây trắng/Mắt em dáng thời gian qua.


Quang Dũng là người Đan Phượng - Hà Tây nhưng miền đất ám ảnh ông chính là Sơn Tây xứ Đoài mây trắng, bởi thế trong các tác phẩm ông đều đưa hình ảnh miền đất này vào như mây trắng, núi Ba Vì, sông Đà. Về câu thơ Những cây ổi thơm ngày ấy, đây là cái khóa Quang Dũng mở ra cho người đọc biết về người con gái mà ông đã xa từ thời tóc xanh ở đâu, đó chính là một làng quê thuần Việt miền Bắc Bộ. “Cây ổi thơm” tức là mùa thu, nhưng nhà thơ còn nhấn mạnh thêm “Vầng hoa mưa ngâu, mưa thu” gợi nhớ đến sự chia ly của đôi Ngưu Lang - Chức Nữ với các cơn mưa tỉ tê buồn thảm. Với hương vị ổi thơm thì lại không chút bi lụy như sau đó nhà thơ ngước nhìn bầu trời xanh mùa thu với những đám mây bồng bềnh như tóc mình.


Rõ ràng chủ đạo trong bài thơ “Không đề” là hương ổi - đó là hình ảnh tượng trưng của cô gái ngày xưa hai mươi tuổi. Đến giữa bài, nhà thơ đã thốt lên, nhắc lại kỷ niệm: Ơi! Con đường xưa/Men vườn ổi thơm/Em tuổi hai mươi/Yêu anh hào hiệp. Dường như vườn ổi đã thực sự ngát thơm trong mối tình thoáng qua thật ấn tượng, đẹp đẽ mà day dứt của họ.

Hữu Thỉnh - “Bỗng nhận ra hương ổi”


Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (được đưa vào sách giáo khoa lớp 9 từ năm 2002) được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt câu thơ Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu đầy hình ảnh vừa hiện thực vừa lãng mạn. Tuy nhiên, trước khi có 2 câu thơ lung linh đó thì 2 câu Bỗng nhận ra hương ổi/Phả vào trong gió se đã làm cho bài thơ thật giản dị đến ngỡ ngàng.


Nhà thơ kể lại rằng, chính nhờ có hương ổi chín mới khơi gợi cảm xúc để ông làm bài thơ. Khi đó vào năm 1977, nhà thơ đang ở một mảnh vườn bạt ngàn ổi ở ngoại ô Hà Nội, mùa thu tới, ổi chín thơm lừng. Chàng lính trẻ có tâm hồn thi sĩ trở lại tuổi thơ xưa của mình: leo lên cây ổi hái những quả chín. Với hương vị ngọt ngào thơm nức của ổi trong gió heo may mùa thu, bất giác trong đáy lòng thốt lên: Bỗng nhận ra hương ổi/Phả vào trong gió se. Hữu Thỉnh đã ý thức được, trước đó nói về mùa thu có biết bao thi nhân đã tả với rất nhiều hình ảnh vừa sang trọng vừa u buồn nên với mình phải khác: hiện thực quê mộc mạc, đơn giản, và đó là hương ổi.


Từ vòm lá ổi, chàng thi sĩ ngắm dòng sông Hồng và bầu trời xanh mùa thu. Đây là bầu trời mùa thu hòa bình thứ hai sau giải phóng. Vốn là người lính tăng, Hữu Thỉnh thấu hiểu sự quý giá những âm thanh trong yên bình. Bài thơ Sang thu thể hiện rõ sự dịu dàng được tác giả nâng niu, chắt lọc từng hình ảnh hiện thực: sương, gió, dòng sông, cánh chim, nắng mưa, cây, mây. Thật thần kỳ khi chỉ với đám mây trắng vẩn vơ ngang trời mà Hữu Thỉnh đã nhận ra được Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu.


Không phải ngẫu nhiên nhà thơ đề dòng chữ: Thu 1977 ở cuối bài. Ngoài ghi dấu thời gian sáng tác, với Hữu Thỉnh, thật thiêng liêng vì đây là mùa thu đầu tiên người lính sau chiến tranh trở về với quê hương, vườn ổi và bầu trời bình yên. Đó là lý do bài thơ này với ông thật đặc biệt.


Dương Trang Hương