07:09, 30/09/2015

Có một Hàn Quốc không hào nhoáng...

Không ồn ào như điện ảnh, nhưng thời gian gần đây, sách văn học Hàn Quốc được xuất bản khá nhiều ở Việt Nam. Hiện tại, các nhà sách ở TP. Nha Trang đang có những tác phẩm như: Điều gì xảy ra, ai biết; Tôi có quyền hủy hoại bản thân (Kim Young Ha); Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 (Park Lee Jeong); ....

Không ồn ào như điện ảnh, nhưng thời gian gần đây, sách văn học Hàn Quốc được xuất bản khá nhiều ở Việt Nam. Hiện tại, các nhà sách ở TP. Nha Trang đang có những tác phẩm như: Điều gì xảy ra, ai biết; Tôi có quyền hủy hoại bản thân (Kim Young Ha); Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 (Park Lee Jeong); 7 năm bóng tối (Jeong You Jeong); Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên (Cheon Myeong Kwan); Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ (Gong Ji Young); Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung sook); Eun Kyo - Bởi vì đau nên mới là yêu (Park Bum Shin)... Dù mức độ khác nhau, các tác phẩm này đều đề cập đến những vấn đề mang tính cốt lõi như: tình yêu, tình mẫu tử, lòng thù hận... Điều đáng nói, những tác phẩm văn học của Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt đã phần nào phản ánh được bộ mặt của xã hội Hàn Quốc đương thời.

 

Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc đang được bày bán ở Nhà sách Phương Nam Nha Trang
Một số tác phẩm văn học Hàn Quốc đang được bày bán ở Nhà sách Phương Nam Nha Trang


Nếu như phim truyền hình Hàn Quốc thường vẽ nên một đất nước hoa lệ, với những con người ở tầng lớp thượng lưu, thì trái lại, văn học phơi bày một thực tế khác biệt. Truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn đương đại xứ Hàn đề cập khá nhiều đến những bế tắc của người trẻ tuổi. Trong tập truyện ngắn Điều gì xảy ra, ai biết, tác giả Kim Young Ha đã cho người đọc tiếp cận các mảnh ghép cuộc đời với những cảnh huống bất ngờ. Một cô gái quá cô đơn đến độ tìm thấy tình yêu đích thực với người máy (truyện Robot); một cặp đôi thích giải trí bằng các game show đã tìm hiểu nhau qua bảng câu hỏi như trò giải đố trên truyền hình (truyện Quiz show) để phơi bày ra cả một bi kịch mà chàng trai đã trải qua...

 


Hay như tiểu thuyết Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên kể về một phụ nữ 70 tuổi vẫn hàng ngày đi bán mỹ phẩm dạo, dang tay đón nhận ba đứa con thất bại trên đường đời trở về với gia đình. Người con trai cả ngoài 50 tuổi từng nhiều lần vào tù ra tội, con thứ hai là một đạo diễn thất bại trong nghề bị vợ bỏ, và cô con gái út nổi tiếng trăng hoa vừa ly hôn lần thứ hai về tìm sự chở che của người mẹ trong căn hộ chỉ vài chục mét vuông. Bầu không khí của căn nhà và của cả câu chuyện luôn bị nén chặt và căng lên trên đường biên mỏng manh giữa yên ấm bên ngoài và bùng nổ bên trong, bởi sự va chạm của tính cách, lối sống, sự đấu tranh giữa phần bản năng và phần tính người, sự vật lộn giữa những khổ sở, uẩn ức và mong muốn vươn lên.


Với văn học Hàn Quốc đương đại, công chúng Việt Nam bắt gặp một Hàn Quốc hoàn toàn khác trong những tập phim truyền hình lãng mạn. Người đọc nhận ra đây không chỉ là một Hàn Quốc “hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu” của làng giải trí, một đất nước với “sự phát triển kinh tế đến chóng mặt” mà còn có rất nhiều điều phức tạp trong xã hội. Những vấn đề văn học Hàn Quốc đề cập gần như là điều tất cả các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.


THÀNH NGUYỄN