06:09, 12/09/2015

Chiếc đòn gánh

Không biết tự khi nào, hình ảnh chiếc đòn gánh và những tiếng rao đã trở thành nét đặc trưng ở quê tôi. Đó như một "điệp khúc nhọc nhằn" quá đỗi gần gũi, thân quen mà dường như ai cũng cảm nhận được.

Không biết tự khi nào, hình ảnh chiếc đòn gánh và những tiếng rao đã trở thành nét đặc trưng ở quê tôi. Đó như một “điệp khúc nhọc nhằn” quá đỗi gần gũi, thân quen mà dường như ai cũng cảm nhận được.


Nhịp sống ở vùng nông thôn quê tôi bây giờ cũng có nhiều đổi mới. Chợ huyện, chợ xã khang trang, đông đúc người mua kẻ bán. Đường sá rộng thênh thang, những cây cầu được bê tông hóa. Nhưng không vì thế chiếc đòn gánh và những tiếng rao vùi vào lãng quên, mà vẫn mỗi ngày mưu sinh trên từng đường quê ngõ xóm… Có lần thấy một phụ nữ dừng gánh nơi dốc cầu,  một tay chống gánh, tay kia cầm nón lá quạt lia lịa vì nóng, tôi đến mua bó rau, sẵn tiện hỏi: “Sao dì không vào chợ ngồi bán cho đỡ vất vả. Lớn tuổi như dì mà ngày nào cũng gánh hàng chục cây số thì cực quá?”. Người bán hàng trả lời với tôi bằng giọng mệt nhoài: “Thà chịu mệt mà bán mau hết cháu ơi. Chứ ở chợ có nhiều người bán quá nên bán chậm lắm”. Ra vậy. Và mỗi ngày, những nẻo đường quanh co ở quê tôi dù nắng hay mưa vẫn nghe có tiếng rao mời gọi…

 


Đối với tôi, hình ảnh chiếc đòn gánh và những tiếng rao đã thấm sâu vào tâm thức, bởi hồi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi cũng từng đi mua gánh bán bưng. Hồi ấy đường sá khó đi, cầu tạm bợ nhưng mẹ vẫn mỗi ngày đi sớm về trưa để có được chút tiền nuôi lớn chị em tôi. Nhớ có những ngày mưa tầm tã nhưng mẹ vẫn đi gánh. Khi về đến nhà, toàn thân mẹ run lập cập, chị em tôi phải đốt lửa cho mẹ sưởi ấm.


Rồi theo dòng thời gian, những tháng ngày gian nan vất vả ấy cũng đi qua. Chị em tôi bây giờ đã trưởng thành. Mẹ thì ngày một già yếu. Chiếc đòn gánh cũng đã nằm im vào một góc khuất trong nhà. Chị tôi lấy chồng ở xa, lâu lâu mới về thăm mẹ một lần. Thấy chiếc đòn gánh nằm đóng bụi, chị nói với mẹ: “Nhà mình bây giờ đâu ai còn đi gánh nữa đâu mà mẹ còn để chiếc đòn gánh đó chi hoài vậy?”. Câu hỏi vô tình của chị làm ánh mắt mẹ buồn buồn, nhưng mẹ vẫn dịu dàng: “Con nhỏ này! Bây quên hồi đó gia đình mình nghèo khổ, chiếc đòn gánh cũng là kế để sinh nhai đó sao!”. Tôi biết, đối với mẹ, chiếc đòn gánh ấy là kỷ vật, nó đã thấm quá nhiều giọt mồ hôi của mẹ để đắp đổi miếng cơm manh áo cho cả gia đình...


Cuộc sống cứ mãi là một vòng xoay. Mỗi ngày, trước ngõ nhà tôi vẫn vang vang những tiếng rao mời gọi. Có thể là tiếng rao của ngày hôm qua, nhưng cũng có thể là một giọng rao cùng một chiếc đòn gánh mới bắt đầu cho cuộc hành trình áo cơm…


Trần Thị Thùy Linh