06:08, 29/08/2015

Nhạc sĩ Hình Phước Liên: Chưa hết ngọn lửa đam mê

Nhắc đến Hình Phước Liên, nhiều người nhớ ngay các nhạc phẩm nổi tiếng như: Ơi con sông Dinh, Cây đàn ghi-ta của Lorca... Thế nhưng, ít người biết rằng, ngoài âm nhạc, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân gian của xứ Trầm Hương.

Nhắc đến Hình Phước Liên, nhiều người nhớ ngay các nhạc phẩm nổi tiếng như: Ơi con sông Dinh, Cây đàn ghi-ta của Lorca... Thế nhưng, ít người biết rằng, ngoài âm nhạc, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân gian của xứ Trầm Hương.


Lớn lên từ sông Dinh


Trò chuyện lúc nào tôi cũng thấy nhạc sĩ Hình Phước Liên vui vẻ, không hề có chút khoảng cách về thế hệ hay kiểu cách của những người đã thành danh. Nhờ đó, tôi đã biết thêm khá nhiều điều về người nghệ sĩ tài hoa này.

Nhạc sĩ Hình Phước Liên. Ảnh: Khuê Việt Trường
Nhạc sĩ Hình Phước Liên. Ảnh: Khuê Việt Trường


Lớn lên ở làng Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa), từ tuổi ấu thơ, cậu bé Hình Phước Liên cùng người anh của mình (nhạc sĩ Hình Phước Long) đã đam mê âm nhạc. 15 - 16 tuổi, khi biết chơi ghi-ta, măng-đô-lin, hai anh em đã tập tành viết nhạc. Năm 1975, đất nước thống nhất, chàng thanh niên Hình Phước Liên hăng hái tham gia đội văn nghệ quần chúng của Phòng Thông tin - Văn hóa huyện Khánh Ninh (nay là thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh). Ngay từ những ngày đầu, anh đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa văn nghệ địa phương với sáng tác thơ ca, hò vè, ca khúc để tuyên truyền mọi người chung tay xây dựng quê hương. Năm 1976, người nhạc sĩ trẻ này đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác của tỉnh Phú Khánh với ca khúc Khánh Ninh đẹp tình ta. Thành công ấy đã tiếp thêm nguồn động viên để Hình Phước Liên vững bước theo con đường sáng tác âm nhạc.  


5 năm sau, với ca khúc Ơi con sông Dinh, ông đã tạo một dấu ấn đối với người yêu nhạc. Những ca từ mộc mạc, trữ tình, thiết tha: ...Bình thường bình thường thôi, dòng sông quê hương tôi. Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà, là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ, như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô đã thổi vào hồn người nghe những cung bậc cảm xúc của tình yêu quê hương, trở thành bài hát “ruột” của những người con đất Ninh Hòa. Năm 1990, nhạc sĩ rời quê nhà Ninh Hòa vào sống ở phố biển Nha Trang, nhưng tâm hồn ông không bao giờ xa dòng sông của đời mình. Hình ảnh con sông hiền hòa ấy luôn cuộn chảy trong tâm hồn ông.


“Đặt hàng” - cái cớ để sáng tác


Những năm sau đó, Hình Phước Liên cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng như: Đường làng năm ấy, Bài ca người lính đảo, Nhắn đất liền, Chú bê vàng và chàng lính đảo, Cây đàn ghi-ta của Lorca. Đặc biệt, nhạc sĩ Hình Phước Liên rất thành công với các ca khúc về thiếu nhi như: Cô giáo em là hoa Êban, Ngôi nhà của chúng ta, Năm 2000 của chúng em (1 trong 50 bài hát về thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX), Chú bò nhỏ và bác tàu lửa (Giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2000), Em bé Hiroshima... Trong lần đến thăm nhà nhạc sĩ Hình Phước Liên, tôi được nhạc sĩ cho xem những bức thư của thiếu nhi từ nhiều miền đất nước. Những lá thư ấy đã bày tỏ niềm yêu thích với các ca khúc của ông. Đó là niềm hạnh phúc mà không phải người viết nhạc nào cũng có được.


Trong câu chuyện về sáng tác, nhạc sĩ Hình Phước Liên không ngần ngại cho biết đã có đến gần 70% ca khúc của ông là tác phẩm được “đặt hàng”. “Trong việc sáng tạo văn hóa  nghệ thuật, việc đặt hàng cho nghệ sĩ sáng tác không có gì xấu, đó chính là cái cớ thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tác, quan trọng là người viết phải có cảm xúc thật sự. Quê hương, bạn bè, các em thiếu nhi đặt hàng cho tôi và tôi cũng tự đặt hàng cho mình, xem như đó là một thử thách cần phải vượt qua”, nhạc sĩ bày tỏ. Đơn cử, Cô giáo em là hoa Êban ra đời khi bạn bè muốn ông có một bài hát ca ngợi cô giáo Nguyễn Thị Cúc ở xã Ninh Tây, Ninh Hòa (được dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc năm 1981). Bài Năm 2000 của chúng em với những ca từ mang khát vọng hòa bình được ông viết từ năm 1988 để giải tỏa nỗi lo lắng về “ngày tận thế” của người mẹ kính yêu của ông. Hay như, ca khúc Ngôi sao niềm tin, ngôi sao Hồ Chí Minh (Giải nhì cuộc vận động sáng tác bài hát về Hồ Chí Minh do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2008) cũng ra đời từ việc “đặt hàng” của nhà thơ Đồng Xuân Lan. Chuyện là khoảng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, nhà thơ Đồng Xuân Lan có tặng nhạc sĩ Hình Phước Liên một bài thơ viết về Bác Hồ, trong đó có những câu thơ có tứ rất mới: Người là ngôi sao soi đường ta đi vào chân trời hạnh phúc/Là ngôi sao lấy cây đánh giặc xua màn đêm chiến tranh... Nung nấu suốt hơn 10 năm trời, đến năm 2006, khi lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh, nhớ lại cái tứ thơ của người bạn năm xưa, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã viết thành công ca khúc Ngôi sao niềm tin, ngôi sao Hồ Chí Minh. Dù không ai biết đến bài thơ đấy, nhạc sĩ Hình Phước Liên vẫn ghi là ý thơ Đồng Xuân Lan một cách trung thực và đầy trách nhiệm.


Nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết


Bên cạnh sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hình Phước Liên còn có nhiều đóng góp trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là lễ hội cầu ngư, tục thờ bà Ponagar, lễ bỏ mả và lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai... Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn Khánh Hòa. Trong đó, lễ bỏ mả của người Raglai, lễ hội cầu ngư do nhạc sĩ Hình Phước Liên viết bài nghiên cứu và viết hồ sơ. Nói vậy, nhưng ít người biết rằng, để có được những công trình ấy là cả một quá trình làm việc đầy tâm huyết. Lễ hội cầu ngư đã được ông theo đuổi trong một thời gian dài từ luận văn tốt nghiệp Đại học Văn hóa đến công trình nghiên cứu cấp bộ. Lễ bỏ mả của người Raglai cũng là một công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của ông. Trước khi viết hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2009, nhạc sĩ đã làm đề tài nghiên cứu khoa học về lễ bỏ mả. Không chỉ tập trung ghi lại các tập tục của người Raglai, nhạc sĩ Hình Phước Liên còn chú ý đến sự giao lưu, tiếp biến của văn hóa Raglai với các nền văn hóa xung quanh...


Hơn 60 tuổi đời, 40 năm gắn bó với công tác văn hóa nghệ thuật, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật xứ Trầm Hương. Từ ngày nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, sáng tác. Nhiệt huyết của ông chưa bao giờ vơi cạn.


XUÂN THÀNH