Mùa thu này, nhà thơ Giang Nam bước qua tuổi 88, vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và trên tất cả vẫn miệt mài ở góc thơ của mình sáng tác. Vị trưởng lão của làng thơ Việt đã theo trọn 70 mùa thu cách mạng…
Mùa thu này, nhà thơ Giang Nam bước qua tuổi 88, vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và trên tất cả vẫn miệt mài ở góc thơ của mình sáng tác. Vị trưởng lão của làng thơ Việt đã theo trọn 70 mùa thu cách mạng…
Nhà thơ Giang Nam kể rằng, khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, đang học ở Quy Nhơn, ông đã bỏ về quê. Thời gian sau, ông theo anh trai lên chiến khu làm cách mạng. Đây là bước ngoặt lớn nhất của đời ông, vì tính cách cậu bé Nguyễn Sung (tên thật nhà thơ) từ thuở nhỏ rất nhút nhát. Khi học ở Quy Nhơn, ông rất thích thơ văn vì trong lớp ở trường Quốc học có những đàn anh nổi tiếng như: Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên, Nguyễn Viết Lãm... Trong văn thơ thời tiền chiến, Hồ Dzếnh là người ông thích nhất. Vì thế, sau này khi chọn bút danh cho nghiệp thơ của mình, ông đã lấy bút danh Giang Nam - lấy ý từ bài thơ Khúc Linh Cầu của Hồ Dzếnh: Tô Châu lớp lớp phủ kiều/Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam.
Lên chiến khu, ông được cấp trên cử làm công tác tuyên huấn, rồi Ty Thông tin. Nhà thơ kể, vật dụng bất ly thân của ông suốt những năm ở chiến khu là chiếc radio và cái máy chữ nhỏ. Tuy công việc rất bận rộn nhưng chất nghệ sĩ trong ông vẫn tràn đầy. Ban đầu, ông được anh em dạy rèn cách viết báo, viết truyện và làm thơ. Đây là trường học đầu tiên rất bổ ích với chàng trai đất Ninh Hòa đầy lãng mạn. Tác phẩm ấn tượng của ông với công chúng không phải là thơ, mà là những truyện ngắn đăng trên một số báo công khai trong giai đoạn 1955 - 1960, trong đó có truyện Vở kịch cô giáo với nội dung lên án sự kệch cỡm của chính quyền địa phương thông qua việc đón tiếp Ngô Đình Diệm về thăm làng quê. Ông đã nhập cuộc và sánh vai với các nhà văn nổi tiếng cùng thời như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Chí Trung, Nam Hà, Lê Vĩnh Tài...
Và bút danh Giang Nam đầy chất thơ ấy ít lâu sau gắn với bài thơ Quê hương. Xuất phát từ tình cảm cá nhân khi nghe tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở Phú Lợi, Sông Bé, chỉ trong khoảng mấy tiếng đồng hồ của đêm thương đau nơi núi rừng chiến khu Hòn Dù, ông đã làm nên một kiệt tác đời mình. Trước tiên nhà thơ đã trích đoạn thơ Ai bảo chăn trâu là khổ trong sách giáo khoa đồng ấu của mình đã học, rồi kể một tuổi thơ và tuổi trẻ đầy lãng mạn với nhân vật “cô bé nhà bên”, phát triển lên đỉnh cao cho tới khi kết thúc thật bi tráng và đau thương tới tột cùng của sự mất mát người yêu. Có nhiều nhà phê bình nói thơ của Giang Nam màu sắc nghệ thuật tương đối đơn giản, có phần chất phác! Quả đúng vậy! Thể tạng, tâm hồn của ông là thế. Nhưng với bài Quê hương, ông đã bùng nổ hoàn toàn khí chất của mình và đó cũng là duy nhất trong đời thơ của ông. Có một điều vừa hiện thực vừa hư cấu đó là sau này, ai cũng nói nhân vật “cô du kích” là vợ nhà thơ, nhưng thực ra nội dung bài thơ và người vợ ngoài đời hoàn toàn khác nhau. Vợ ông - bà Phạm Thị Triều, người con gái đất Cửa Bé, Vĩnh Trường, Nha Trang, lên chiến khu Đá Bàn gặp nhà thơ và kết hôn năm 1954 không phải là “cô bé nhà bên cười khúc khích”, nhưng ông đã thi vị hóa thành thơ.
Được xếp vào lá cờ đầu của dòng thơ văn thời chống Mỹ cứu nước cùng với Thanh Hải, Thu Bồn..., nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, nhưng Giang Nam vẫn không quên mình là nhà cách mạng. Ông là một trong những nhà văn ở lại chiến trường miền Nam từ mùa thu cách mạng 1945 cho tới mùa xuân chiến thắng 1975, lăn lộn trên mọi miền đất, nhưng gắn bó sâu sắc nhất chính là quê hương Khánh Hòa. Chính nơi đây đã cho ông chất liệu sáng tác những bài thơ dạt dào cách mạng như: Quê hương, Nghe em vào đại học, Tháng Tám ngày mai... Ông vinh dự được giao những trọng trách như: Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng, Thường trực Hội Nhà văn, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ. Với quê hương Khánh Hòa, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật... Nhưng ở cương vị nào ông cũng rất mẫu mực: tận tụy, cẩn thận, mẫn cán và rất nhân hậu. Ở ngoài đời, người ta thấy Giang Nam với đôi kính trắng, ai nói gì cũng gật gù rồi nở nụ cười, khi trò chuyện thì thủ thỉ chân tình với những lý lẽ rất uyên bác.
Để đời với bài thơ Quê hương - một câu chuyện cổ tích vì tưởng người vợ và con gái duy nhất đã mất nhưng lại đoàn tụ; gần 90 tuổi vẫn khỏe mạnh, vẫn sáng tác... có lẽ đó là niềm hạnh phúc của một người đã đi trọn tình theo cách mạng 70 mùa thu qua.
Lê Đức Dương