11:07, 24/07/2015

Chuyện đằng sau những bức ảnh

Những bức ảnh chụp về đề tài ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương luôn khiến người xem rưng rức cõi lòng.

Những bức ảnh chụp về đề tài ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Bá Dương luôn khiến người xem rưng rức cõi lòng. Sau những khoảnh khắc bấm máy của anh, người xem tưởng như có thể chạm vào những nấc thang xương máu trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam!
 

Một lần đến nhà của nhà báo - NSNA Lê Bá Dương, tôi tình cờ nhìn thấy trong máy tính của anh một bức ảnh chụp nghĩa trang liệt sĩ rất đẹp. Hỏi chuyện mới biết, anh có rất nhiều bức ảnh chụp về đề tài này, và đằng sau bức ảnh ấy là cả một câu chuyện dài.

Từ “Đường cứu nước”
 

Năm 1987, trong một chuyến hành hương về lại chiến trường Quảng Trị, nhà báo Lê Bá Dương đã bấm máy, ghi lại một phần khu mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Sau khoảnh khắc bấm máy ấy, một tấm ảnh đen trắng được định hình với tên gọi Đường cứu nước. “Gọi vậy, đặt tên ảnh vậy bởi qua hiệu ứng ống kính góc rộng, khoảng cách giữa những hàng bia mộ như một con đường lớn uốn mình theo sườn đồi hun hút vào ngàn xanh đã gợi lại cho tôi cảm giác như được bước trở lại con đường một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Một con đường theo đúng nghĩa được hình thành từ cuộc chiến tranh cứu nước với triệu triệu người con của mẹ Việt Nam lần lượt nằm lại trên từng chặng gian nan”, nhà báo Lê Bá Dương bày tỏ!

 

Tác phẩm “Đường cứu nước” tác giả chụp năm 1987.
Tác phẩm “Đường cứu nước” tác giả chụp năm 1987

 

Khi bấm máy và đặt tên cho tấm ảnh, nhà báo Lê Bá Dương không hề nghĩ rằng sau này ông sẽ có thêm những khoảnh khắc nối vào khoảnh khắc ban đầu để hình thành bộ ảnh cùng tên. Năm 2000, trở lại Nghĩa trang Trường Sơn, nhìn những khu mộ ngày nào nay đã được xây mới, đổi hướng đặt bia nghiêm cẩn và khang trang hơn, nhưng vẫn nguyên một dáng mở của con đường hun hút chạy vào ngàn xanh như năm nào, lòng ông lại bồi hồi xúc động. Chiều ở nghĩa trang hoe hắt nắng vàng, bắt gặp tốp học trò người dân tộc Vân Kiều ôm từng bó hoa phượng đỏ chói sắc lửa, tay ngắt từng chùm nhỏ lần lượt đặt lên từng ô hướng thiên trên phần mộ các liệt sĩ, nhà báo Lê Bá Dương đã chờ sẵn ở góc máy năm xưa để chụp thêm bức ảnh mới. Khác hẳn với tác phẩm trước đây gợi nên sự hiu quạnh, Đường cứu nước lần này bỗng rực màu hoa phượng vĩ cháy đỏ như lửa - thứ lửa được thắp lên từ một thế hệ mới. Ông đặt cho Đường cứu nước 2 một tên riêng: Nghĩa trang Trường Sơn, thêm một mùa hoa đỏ.
 

 

Tác phẩm “Đường cứu nước 2” tác giả chụp năm 2000
Tác phẩm “Đường cứu nước 2” tác giả chụp năm 2000
 
Năm 2004, giữa không gian rực sáng bởi 10.263 ngọn nến thắp đều trên 10.263 ngôi mộ liệt sĩ trong đêm Huyền thoại Trường Sơn (chương trình kỷ niệm 27-7 do VTV tổ chức), người lính Thành cổ năm xưa đã lại hướng ống kính theo đúng góc chụp năm nào để thu hết vào khuôn hình một không gian đêm Huyền thoại Trường Sơn. “Bất chợt ngước về phía khu mộ trung tâm, biểu trưng của khu mộ các liệt sĩ người Hà Nội với vòm mái bê tông thành lá cờ Tổ quốc ôm vào lòng mô hình chùa Một Cột, tạo thành một khối hình trái tim hồng rực sáng giữa lung linh lửa nến... Tôi đặt tên cho bức ảnh Đường cứu nước 3  với tên gọi Ngàn năm một trái tim hồng”, tác giả chia sẻ.
 
Đến “Khi con về mẹ hóa tượng đài”
 
Cũng về chủ đề thương binh - liệt sĩ, nhà báo Lê Bá Dương còn có một tác phẩm khá thành công, đó là bức ảnh Khi con về mẹ hóa tượng đài. Khoảng năm 1996, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa tìm kiếm được 7 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở khu vực Suối Máu, Khánh Thượng, Khánh Vĩnh. Khi làm thủ tục đưa di cốt các liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung (TP. Nha Trang), ông đã đi theo để chụp lại giây phút những người con về an nghỉ ở đất mẹ. “Khi những người lính mang hài cốt các liệt sĩ đến dưới chân tượng đài, tôi đi sau ngước mắt nhìn lên thấy bức tượng bà mẹ cầm áo đang nhìn xuống những đứa con bao năm đi xa nay mới về với ánh mắt bao dung. Tôi nằm xuống sát đất hắt ngược ống kính lên cao để ghi lại khoảnh khắc linh thiêng và xúc động ấy. Hôm đó bầu trời xanh rất đẹp, dải mây trắng phía sau đỉnh tượng đài vặn cong lại khiến tôi liên tưởng nỗi đau của đời mẹ mà thắt cả lòng. Ngay khi ấy trong tôi đã bật lên cái tựa Khi con về mẹ hóa tượng đài”, Lê Bá Dương cho biết. Chính từ cái tứ này, sau này Lê Bá Dương còn làm thêm một bài thơ rất xúc động, trong đó có đoạn: Chẳng nơi nào như đất nước tôi/Nơi dáng hình đất nước cứ vặn theo lòng mẹ/Nơi đầu bạc khóc đầu xanh, lời thề hóa đá/Để khi con về mẹ hóa tượng đài/Vòi vọi phía trông mong…
 
 
Tác phẩm “Khi con về mẹ hóa tượng đài”.
Tác phẩm “Khi con về mẹ hóa tượng đài”.
 
Nhà báo - NSNA Lê Bá Dương còn nhiều bức ảnh về đề tài thương binh - liệt sĩ. Và bức nào cũng có tên gọi rất giàu hình tượng, đầy chất thơ khiến người xem không khỏi xao lòng. Chia sẻ điều này, Lê Bá Dương cho biết, anh đặt tên ảnh bởi sự rung động ngay khoảnh khắc ấy nên nó dễ đồng cảm với người xem!
 
THÀNH NGUYỄN