145 tác phẩm của 79 tác giả và nhóm tác giả tham gia giải báo chí tỉnh năm nay là một con số ấn tượng: vượt 6% so với giải báo chí năm 2014, tăng đều số lượng ở các thể loại, thu hút nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh...
145 tác phẩm của 79 tác giả và nhóm tác giả tham gia giải báo chí tỉnh năm nay là một con số ấn tượng: vượt 6% so với giải báo chí năm 2014, tăng đều số lượng ở các thể loại, thu hút nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, lần đầu tiên có một số tác phẩm của ngành Công an tham gia dự thi. Điều đó cho thấy, giải báo chí tỉnh luôn có sức hút lớn và ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhiều tác phẩm viết về chủ quyền biển đảo
Cũng như những năm trước, năm nay báo in có tới 100 tác phẩm dự thi, chiếm số lượng áp đảo so với các loại hình báo chí khác (báo hình 25 tác phẩm, phát thanh 2 tác phẩm, báo ảnh 3 tác phẩm). Tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí địa phương gấp hơn 2 lần so với tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đóng tại TP. Nha Trang. Với sự đa dạng về đề tài, mỗi tác phẩm đều mang đậm dấn ấn cá nhân của nhà báo và mang đậm hơi thở cuộc sống. Giải báo chí tỉnh năm nay có gần 30 tác phẩm ở các thể loại viết về những ngày cả nước chung sức chung lòng hướng về Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, về Trường Sa - Hoàng Sa, về những kiểm ngư viên, những ngư dân kiên cường bám biển... Có thể kể đến một vài tác phẩm xuất sắc viết về đề tài này như: Theo dòng thời sự “Biển Đông dậy sóng” của nhóm tác giả Thu Trang - Văn Tuấn - Liên Minh - Tùng Minh - Minh Tuệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, loạt bài Rắn rỏi giữa biển trời Hoàng Sa, loạt bài Ngư dân kiên cường bám biển trong những ngày Biển Đông dậy sóng của tác giả Đình Lâm - Thanh Long (Báo Khánh Hòa), loạt bài Góp phần khẳng định và gìn giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa của tác giả Nguyễn Văn Lý (Cơ quan thường trú TTXVN tại Khánh Hòa), tác phẩm phát thanh Hậu phương của lính đảo Trường Sa của tác giả Anh Tú... Để có những loạt bài này, các phóng viên, biên tập viên đã bỏ nhiều công sức, bám sát tình hình thời sự, liên tục cập nhật thông tin, đem đến cho khán giả, độc giả cái nhìn toàn diện về sự kiện, thổi vào tác phẩm dòng chảy rất nóng từ Biển Đông. Đặc biệt, nhóm tác giả Đình Lâm - Bích La đã không quản ngại khó khăn, đi tàu ngay trong đêm kịp ra gặp gỡ các kiểm ngư viên của tàu KN22 vừa trở về từ điểm nóng Hoàng Sa, neo đậu tại Đà Nẵng để sửa chữa, ghi lại những câu chuyện, những tình huống 36 ngày đêm đối mặt với nhiều nguy hiểm ở Hoàng Sa của tàu KN22, khắc họa chân dung của những kiểm ngư viên và cho người đọc biết rõ hơn tâm sự chân thành của những người vợ nơi hậu phương... Bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy, các tác giả không chỉ làm báo bằng niềm đam mê nghề nghiệp mà còn thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc...
Phóng viên Bích La trong chuyến đi thực tế trên tàu KN22 |
Đa dạng đề tài
Ngoài chủ đề về Biển Đông, về Trường Sa, Hoàng Sa, còn có rất nhiều đề tài nổi bật khác, phản ánh nhiều lĩnh vực, từ gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đổi mới ở những vùng quê, số phận và nghị lực vươn lên của những con người kém may mắn, đến những bài phóng sự điều tra dài kỳ, phát hiện các vấn đề nổi cộm để các cơ quan chức năng xử lý. Về báo in, nhiều tác giả đã có sự đầu tư cho bài viết để đem đến cho độc giả những phóng sự điều tra chất lượng. Điển hình nhất trong các tác phẩm này là rất nhiều tác phẩm của các phóng viên Báo Khánh Hòa như loạt bài về: lấn chiếm đất rừng ở Ninh Tây, vụ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Suối Dầu lén xả nước thải, vụ phát hiện kho rùa biển có quy mô lớn nhất từ trước đến nay hay bài điều tra về dịch vụ massage trá hình, về pháp sư chữa bá bệnh bằng bùa... Tất cả những bài viết này đều được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời. Không chỉ đi sâu vào thể loại phóng sự điều tra, nhiều tác giả còn mang đến cho độc giả những góc nhìn thú vị trong cuộc sống. Đó là câu chuyện kể về một chuyên gia người nước ngoài nhiều năm lặn lội rừng sâu để nghiên cứu về muỗi gây bệnh sốt xuất huyết trong tác phẩm Ông Tây tuổi Mùi ăn,ngủ với muỗi của tác giả Hà Văn Đạo (Báo Lao Động - Xã hội), là chuyện người Lý Sơn lập nghiệp với cây tỏi trong tác phẩm Người Lý Sơn trồng tỏi ở Khánh Hòa của tác giả Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong)...
Nếu như báo in mạnh về thể loại phóng sự điều tra, các tác phẩm báo hình tham gia giải năm nay cũng không hề kém cạnh. Với thế mạnh về hình ảnh, các tác giả đã không ngại tìm các đề tài khó để chuyển tải đến bạn đọc những vấn đề nóng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như tác phẩm Thành phố loạn tour của nhóm tác giả Thu Trang - Nguyễn Nam phản ánh về tình trạng nhiều người Nga tự bán tour không phép, chất lượng tour bị thả nổi; hay như tác phẩm Khánh Hòa kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ của nhóm tác giả Thu Hương - Tùng Minh - Công Hưng nói về những tồn tại chưa giải quyết được trong vùng dự án treo. Đặc biệt, tuy lần đầu tham gia nhưng tác phẩm Phòng, chống tội phạm người nước ngoài của Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh cũng đã gây được ấn tượng với thể loại này qua phóng sự mang tính thời sự cao, phản ánh chiêu thức hoạt động tinh vi của những đối tượng người nước ngoài...
Bên cạnh thể loại điều tra, các tác phẩm báo hình khác cũng là bức tranh phản chiếu sinh động những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đó là những trăn trở trong cuộc đối thoại giữa những chuyên gia và ngư dân về làm sao để đội tàu từ Nghị định 67 vươn khơi xa hiệu quả (thể loại đối thoại truyền hình Làm gì để tàu 67 vươn khơi của tác giả Hà Nhân, là những vấn đề thời sự về giữ gìn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn, bảo vệ rừng, phòng chống hạn... của các tác giả ở Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Các tác phẩm được thể hiện qua những hình ảnh sinh động, bố cục chặt chẽ, lời bình sắc sảo.
Ông Trương Tấn Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận xét: “Giải báo chí năm 2015 ghi nhận sự đóng góp rất tích cực của các nhà báo trong tỉnh và các nhà báo thuộc cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Số lượng bài dự thi cao hơn những năm trước, chứng tỏ các nhà báo rất quan tâm đến Giải báo chí Khánh Hòa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, giải năm nay chưa thu hút nhiều thể loại báo ảnh và phát thanh, chất lượng của những tác phẩm này chưa cao. Mặt khác, chưa có nhiều tác phẩm viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Hy vọng năm sau, các nhà báo sẽ tiếp tục đầu tư cho những thể loại này để đem lại cho độc giả những tác phẩm chất lượng cao”.
Hải Nguyệt