Nhắc đến nhạc sĩ Tố Hải, người yêu nhạc nhớ ngay đến ca khúc "Sông Đăkrông mùa xuân về". Tuy nhiên, ít ai biết ông còn có nhiều bài hát khá hay về Bác Hồ, một trong số đó là ca khúc "Làng Chăm tiếng hát ơn Người" - giải B cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Nhắc đến nhạc sĩ Tố Hải, người yêu nhạc nhớ ngay đến ca khúc “Sông Đăkrông mùa xuân về”. Tuy nhiên, ít ai biết ông còn có nhiều bài hát khá hay về Bác Hồ, một trong số đó là ca khúc “Làng Chăm tiếng hát ơn Người” - giải B cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Năm nay đã 78 tuổi, sức khỏe không còn được như trước, nhưng nhắc đến âm nhạc, nhạc sĩ Tố Hải hào hứng, sôi nổi hẳn. Cuộc đời ông dường như chỉ có âm nhạc và cách mạng, cứ nhắc đến âm nhạc là cảm xúc của ông lại dâng trào như dòng Đăkrông (nước lớn) “xanh thẳm, nối đôi bờ mùa xuân”.
Nhạc sĩ Tố Hải |
Hỏi chuyện về ca khúc Làng Chăm tiếng hát ơn Người, nhạc sĩ Tố Hải cho biết, ông viết bài hát này cách đây đã lâu, xuất phát từ tình cảm của chính mình chứ không phải để thi thố gì cả. Chuyện là, những lần về thăm quê hương Bình Thuận, đi vào các pa lơi của người Chăm, ông cảm nhận được tình cảm của đồng bào Chăm đối với Bác Hồ rất sâu đậm. Những ngày lễ tết, các pa lơi người Chăm luôn rộn ràng tiếng đàn hát mừng cuộc sống mới, những lời ca về Bác Hồ. Cách đây khoảng 10 năm, trong một lần về thăm quê, đi ngang qua di tích Trường Dục Thanh (Phan Thiết) - nơi Bác Hồ từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm với Bác ấp ủ bấy lâu bỗng dâng trào. Đêm về, nhạc sĩ Tố Hải đã viết nên ca khúc Làng Chăm tiếng hát ơn Người để nói lên tiếng lòng của những người con đất Bình Thuận với vị lãnh tụ kính yêu.
Theo nhạc sĩ Tố Hải, trước khi được trao giải ở cuộc thi, ca khúc Làng chăm tiếng hát ơn Người đã được các ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (Bình Thuận) biểu diễn rất nhiều. Kể đến đây, ông lấy đĩa CD cho vào đầu máy cũ, những giai điệu rộn ràng vang lên: Người Chăm nổi tiếng trống ghi năng. Chàm rông xòe điệu múa đêm trăng. Làng Chăm mình còn bao câu hát, người chung tình ngàn năm luôn hát. Nghe trong lá, nghe trong hoa, nghe bao tiếng chim ca, dù núi mòn sông cạn, nhặt dấu son trên đường. Người nghe ngỡ như đang lạc vào những làng Chăm trong mùa lễ hội, hòa mình vào những tiếng trống ghi năng, điệu múa Chàm rông. Âm nhạc đang vui tươi rộn ràng, bỗng chuyển sang thiết tha ân tình: Về cực Nam bao nhiêu gió cát, miền thùy dương bao nhiêu câu hát. Người về đây Dục Thanh nên trường. Người về đây cạn sâu đo lường… Ai đong được bao nhiêu giọt nước. Ai tính được đường lên phía trước, cánh én chao lượn khắp làng quê. Ta đưa nhau về, ta chung câu thề cùng dựng xây trên quê hương ta. Người Chăm hát, hát lời ơn Bác. “Sinh thời, Bác Hồ có lối sống rất giản dị, vì thế khi viết ca khúc này, tôi cũng dùng những lời ca giản dị, mộc mạc để diễn tả tình cảm của người Chăm quê tôi với vị cha già dân tộc. Cùng với lòng biết ơn đối với Bác, người Chăm hôm nay động viên nhau xây dựng quê hương để đền đáp công ơn của Người”, nhạc sĩ chia sẻ.
Nhạc sĩ Tố Hải tên thật là Tô Trắp (sinh năm 1937 tại Bình Thuận); tốt nghiệp Khoa Sáng tác Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam). Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là “Sông Đăkrông mùa xuân về” (1975). Ông từng được trao nhiều giải thưởng lớn như: giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960 - 1965 với ca khúc “Lời ca không tắt”; giải thưởng 25 năm Văn học nghệ thuật Khánh Hòa (1975 - 2000); giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2012). |
Ngoài Làng Chăm tiếng hát ơn Người, nhạc sĩ Tố Hải còn có nhiều ca khúc viết về Bác như: Hát mãi muôn đời Hồ Chí Minh, Mùa xuân ơn Bác, Kính yêu thầy Nguyễn Tất Thành, Về Dục Thanh..., mới nhất là Tây Nguyên chọn Bác Hồ. Theo nhạc sĩ, ông đi theo cách mạng từ năm 14 tuổi, luôn mơ ước được gặp Bác nhưng may mắn ấy không đến dù có những lúc ông đã sống ở Hà Nội. Dẫu vậy, xem phim tư liệu, nhìn hình ảnh Bác trên báo, đài ông vẫn cảm nhận được tình cảm thiết tha của một vị cha già dân tộc dành cho các tầng lớp nhân dân. “Từ trẻ mình đã nghĩ đến việc viết về Bác Hồ nhưng phải đến những năm sau này ý tưởng mới “chín”... Tôi viết ca khúc về Bác là để tỏ lòng kính yêu Người cũng như muốn truyền tình yêu đó đến các tầng lớp nhân dân”, nhạc sĩ già bày tỏ.
Trước khi chia tay, nhạc sĩ Tố Hải cho biết ông sẽ còn tiếp tục viết về Bác Hồ bởi đó luôn là niềm khát khao của những người làm nhạc thế hệ ông. Nói rồi, ông rút sổ tay cho tôi xem lời ca khúc Đời đời thay nhau kể mà ông vừa “phác thảo”: Người người thay nhau kể, công đức Hồ Chí Minh. Đời đời thay nhau kể, ơn đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ Chí Minh… qua năm châu bốn bể, bắc nhịp cầu yêu thương. “Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam được như hôm nay là nhờ công ơn của Đảng, của Bác Hồ. Bác ra đi đã hơn 40 năm nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam Bác vẫn còn sống mãi. Và tôi tin đời đời sau, người dân Việt vẫn kể cho nhau nghe về công ơn trời biển của Người...”, nhạc sĩ chia sẻ về ý tưởng ca khúc của mình.
THÀNH NGUYỄN