10:06, 02/06/2015

Nhạc sĩ Hồng Đăng và kỷ niệm thành phố tuổi thơ

Trưa nay qua đường phố quen gặp những tiếng ve đầu tiên. Chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên. Tiếng ve đu cành sấu. Tiếng ve náu cành me. Tiếng ve vẫy tuổi thơ. Tiếng ve chào mùa hè…

 

Trưa nay qua đường phố quen gặp những tiếng ve đầu tiên. Chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên. Tiếng ve đu cành sấu. Tiếng ve náu cành me. Tiếng ve vẫy tuổi thơ. Tiếng ve chào mùa hè… Đó chính là lời ca khúc Kỷ niệm thành phố tuổi thơ của nhạc sĩ Hồng Đăng - tác giả của nhiều bài hát quen thuộc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Lênh đênh… đã lay động những cảm xúc đầy lãng mạn của nhiều người yêu nhạc với chủ đề mùa hạ.


Nhạc sĩ Hồng Đăng kể, cho đến giờ này ông có khoảng 700 tác phẩm gồm: ca khúc, hợp xướng, nhạc phim, nhạc sân khấu... Nhưng phổ thông nhất vẫn là những ca khúc được sáng tác hơn 30 năm trước theo đơn đặt hàng của các nhà làm phim như ca khúc nổi tiếng và có giá trị nhất cho đến hôm nay là Biển hát chiều nay: Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao. Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào. Môi cười rất xinh lung linh màu áo. Mây trắng gợi lên những cánh chim hải âu - một bức tranh về biển thật đẹp, có đầy đủ yếu tố cảnh quan, màu sắc và con người rất thanh bình. Ca khúc này ông viết cho một phim tài liệu về biển mà cho đến bây giờ chính tác giả cũng chẳng nhớ tên phim, chỉ bài hát là sống mãi... Người viết bài này nghe Biển hát chiều nay qua giọng ca một thời Vân Khánh vào năm 1978, quả thực bản thu âm cũng như phối khí lúc đó rất chậm và rời rạc, khác hẳn sự sôi nổi dạt dào, thiết tha của Lê Dung hay Trung Đức thể hiện sau này. Chính nhạc sĩ Hồng Đăng đã chỉnh sửa cho bài hát trở lên hoàn mỹ từ ca từ và giai điệu. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khi nghe Mỹ Tâm hát bài này trong chương trình “Giai điệu tự hào” đã nói: Biển hát chiều nay của Hồng Đăng đã đạt triết lý về biển mang tính thời đại, có tính dự báo rất đáng nể!. Không chỉ thế, bài hát như tâm thế và trái tim cao cả, nhân hậu của người Việt thông qua hình ảnh biển Việt Nam. Hiếm có một bài hát tưởng chỉ mang tính giải trí mà lại có ý nghĩa sâu sắc đến thế.

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng


Những năm đầu 1990, có bài hát trẻ trung, say đắm nồng nàn với giọng ca Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung... về một loài hoa chỉ ở Hà Nội mới có - Hoa sữa: Em vẫn từng đợi anh. Như hoa từng đợi nắng. Như gió tìm rặng phi lao. Như trời cao mong mây trắng… Ca từ thánh thót, sang trọng, ấm nồng như hơi thở của đôi tình nhân. Gần như ca khúc này được hát ở khắp nơi và ảnh hưởng tới cả một nhận thức xã hội đó là yêu hoa sữa. Nhiều người Hà Nội sống một đời với cây hoa cứ vào thu có mùi thơm ngai ngái cũng chẳng để ý, thế mà sau khi nghe bài hát đã thảng thốt ngước nhìn vẻ đẹp của những chùm hoa phơn phớt màu sữa. Người ở nơi khác thì về Thủ đô mùa thu bao giờ cũng tìm hoa sữa xem nó đẹp huyền ảo thế nào... vì bài hát hay quá, lãng mạng quá! Chưa hết, nhiều thành phố của cả nước, trong đó có Nha Trang sau đó cũng trồng rất nhiều cây hoa sữa... Nhạc sĩ Hồng Đăng kể, năm 1978, đạo diễn Đức Hoàn (người đóng vai Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ) làm phim Hà Nội mùa chim làm tổ đã mời ông viết nhạc phim. Đi theo đoàn làm phim mấy tháng nhưng ông chẳng viết được, tình cờ khi về nhà, ông chợt nhìn lên hàng cây trước nhà trong đó có hoa sữa và đã nảy ra ca từ cùng nét nhạc, chỉ thời gian ngắn đã hoàn thành. Thực ra, bài hát ban đầu dài hơn so với bài sau này đã chỉnh sửa.


Tiếp sau đó, ông viết nhiều bài hát cũng mang tính chất đời thường, trong đó ca khúc Kỷ niệm thành phố tuổi thơ với tràn ngập tiếng ve ran mùa hạ của Hà Nội là sản phẩm ông viết cho các cô giáo của Thủ đô đi thi văn nghệ, chẳng ngờ tốp ca đã đạt giải cao và trở thành bản nhạc về phố hè Hà Nội hay nhất, được lưu âm trên đài và băng thu cho tới tận hôm nay. Bài hát đã gieo vào lòng người nghe những cảm xúc thật bồi hồi về những gì chưa xa, với tiếng ve tuổi học trò.


Nhiều người nghe nhạc Hồng Đăng rồi sau khi gặp ông đều nhận xét, nhạc với đời giống nhau đó là sự tinh tế, hào hoa đầy mến khách. Là nhạc sĩ nổi tiếng rất sớm, nhân vật quan trọng trong làng nhạc (ông làm Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tiếp 2 khóa IV, V), đồng thời là thầy giáo của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này... tuy nhiên bạn bè, đồng nghiệp rất yêu quý sự hào hoa, mến khách của ông. Vì dù là dân gốc xứ Nghệ (ông sinh năm 1936 ở Yên Thành, Nghệ An) nhưng phong cách rất Hà Nội, đó là mỗi lần gặp ai, ông cũng tặng quà, dù chỉ là cây bút, cây lược nhỏ...


Tưởng rằng cuộc đời ông luôn trong xanh như Biển hát chiều nay hay ngọt ngào như Hoa sữa nhưng thực tế vẫn Lênh đênh, một bài hát nổi tiếng được viết cho phim Đời hát rong của đạo diễn Châu Huế. Bài hát có chiều sâu thăm thẳm về tình đời trắc trở: Hai đứa như hai vầng mây xa. Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh. Bao tháng năm đã từng trôi qua. Mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh. Ca sĩ Hồng Nhung hát bài này rất hay, trước đó Tiến Hỷ và Vân Anh song ca cũng rất ấn tượng.


Thật kỳ lạ là sau bao nhiêu ngày Lênh đênh, cuối cùng người nhạc sĩ tài hoa một thời cũng trọn vẹn như lời ca khúc ông viết trước đó 20 năm: Có hai nỗi nhớ xôn xao gió triền đê. Có hai con tim chung một lối về. Hồng Đăng hạnh phúc với người vợ trẻ và cây dương cầm cũ kỹ trong căn nhà nhỏ sát dòng sông Hồng. Nơi đó ông vẫn được nghe Biển hát chiều nay hay những tiếng ve ran của Kỷ niệm thành phố tuổi thơ.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG