Ngày còn bé, khi cầm quyển sách "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", tôi cứ nghĩ người kể chuyện là một ông già hiền từ ngồi dưới gốc đa. Bộ sách đồ sộ gồm 5 tập - 2.740 trang với 200 truyện cổ tích dài ngắn...
Ngày còn bé, khi cầm quyển sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, tôi cứ nghĩ người kể chuyện là một ông già hiền từ ngồi dưới gốc đa. Bộ sách đồ sộ gồm 5 tập - 2.740 trang với 200 truyện cổ tích dài ngắn cùng 3.000 dị bản của khắp 5 châu thực sự là “kho tàng cổ tích” của mọi người. Đây là công trình nổi tiếng của nhà văn, học giả Nguyễn Đổng Chi, người dành 40 năm trời sưu tầm, biên soạn.
Trong căn phòng nhỏ của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi - con trai của học giả Nguyễn Đổng Chi - sực nức mùi sách. Trên tường treo bức họa chân dung người cha quá cố của ông do họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ đã ngả màu giấy dó. Chỉ có chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là mới. Nguyễn Đổng Chi đã về với miền cổ tích lâu rồi (ông mất ngày 20-7-1984). Tôi tần ngần ngắm nhìn bức ảnh, lặng nghe Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kể về cha mình...
Nguyễn Đổng Chi là con trai thứ của ông Đầu Xứ Thuận Nguyễn Hiệt Chi. Hồi trẻ, ông Nguyễn Hiệt Chi học rất giỏi, thi đỗ đầu xứ, tên ở nhà gọi là Thuận nên gọi là “ông Đầu Xứ Thuận”. Khi bị Pháp ghét vì tham gia phong trào Duy Tân, ông Hiệt Chi bỏ vào Phan Thiết lập Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành cùng với ông Nghè Trương Gia Mô (ông nội của nhà văn Trần Bạch Đằng). Nguyễn Đổng Chi sinh ở đây (ngày 6-1-1915). Đổng Chi càng lớn càng hiếu động, hay làm thơ vè chọc phá địa chủ cường hào. Năm 16 tuổi, Đổng Chi học Trường Lê Văn (Thành Vinh), cậu học rất giỏi, nổi tiếng khắp trường, đồng thời học thêm nghề thuốc, làm nhân viên soát vé ga tàu, làm đồ thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, “máu” văn chương nổi lên, cậu lại viết sách và được nhà xuất bản đặt hàng viết cho tủ sách Tuổi Hồng như: “Chí quả quyết”, “Vườn xuân bạn trẻ”, “Tìm ra châu Mỹ”... Có quyển còn được dịch ra tiếng Pháp.
Năm 1934, Đổng Chi theo anh trai là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi lên Kon Tum chơi 6 tháng. Ở đây, Đổng Chi tìm hiểu phong tục, văn hóa người bản địa rồi cùng anh viết cuốn dư địa chí đầu tiên của Việt Nam về dân tộc thiểu số có tên: “Mọi Kon Tum”. Quyển sách này được nhà dân tộc học kiêm công sứ Paul Guillemeinet khen ngợi, khi đó Đổng Chi mới 19 tuổi. Năm 1935, cha mất, ông phải về quê làm ruộng phụ giúp gia đình. Tại quê nhà, ông vẫn không nguôi viết về văn hóa vì đây là đất của các danh nhân: La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Đặng Dung, Đặng Tất, Ngô Đức Kế và phát tích nhiều dòng họ lẫy lừng sau này như: Ngô Huy, Ngô Xuân... Nhưng có một điều không làm cho ông nguôi ngoai chính là sự lầm than của nhân dân mình trước thực dân phong kiến. Ông đã viết cuốn sách nổi tiếng “Túp lều nát” làm bọn cường quyền tức điên lên, đòi bắt.
Năm 1936, ông lập gia đình. Cũng từ đó, ông chuyên tâm nghiên cứu viết sách vì trong nhà lúc đó có một kho sách rất lớn của cha để lại có tên “Mộng Thương thư trai” với nhiều sách quý. Năm 1942, ông cho ra đời cuốn “Việt Nam cổ văn học sử” in tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung vẽ bìa, Giáo sư Trần Văn Giáp viết lời bạt trong đó có câu: “Đạt kiến!”. Khi có phong trào Việt Minh, Nguyễn Đổng Chi hăng say tham gia học võ, rồi làm tự vệ, đã từng tham gia đánh Pháp đầu kháng chiến suốt 2 tháng ở phố Trần Việt Vương, Hà Nội.
Học giả Nguyễn Đổng Chi bắt đầu xây dựng bộ sách lớn nhất của đời mình - “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” từ đầu thập niên 50. Người khơi nguồn, giúp sức cho ông chính là lão bộc trong nhà: bác Chất Nghĩa. Tài kể chuyện, hát vè, hát dặm của lão bộc làm Đổng Chi say mê. Nhưng không phải nghe cho vui, Đổng Chi làm rất khoa học như làm phiếu thư mục, rồi sưu tầm... Ròng rã hơn 40 năm, ông mới hoàn thành bộ sách 5 tập đồ sộ này, được các nhà khoa học xã hội đánh giá cao về sự hoàn mỹ của nó. Còn với bạn đọc, trong đó có tuổi thơ thì bộ sách quả thực là món quà vô giá.
Tại một hội thảo lớn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đổng Chi mới đây, người ta đã ví ông là Andersen hay Grimm của Việt Nam. Đó chính là sự ghi danh xứng đáng đối với ông.
Lê Đức Dương