11:06, 09/06/2015

Khôi phục, bảo tồn sử thi Raglai

Đề tài "Một số biện pháp khôi phục, bảo tồn sử thi của người Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn" vừa được Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành xếp loại khá.

Đề tài “Một số biện pháp khôi phục, bảo tồn sử thi của người Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn” vừa được Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành xếp loại khá.


Ông Phạm Văn Hợp - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Khánh Sơn (Khánh Hòa), nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, người thực hiện đề tài cho biết, cũng như các dân tộc khác, tộc người Raglai có truyền thống văn hóa mang tính đặc thù của cư dân vùng núi duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, kho sử thi Raglai rất đa dạng, phong phú và độc đáo. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, phát triển, với sự tác động của nền kinh tế thị trường và sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc ngày càng lớn mạnh, lớp trẻ người Raglai ngày nay đa số không quan tâm, tìm hiểu các tác phẩm sử thi, dẫn đến sử thi Raglai đang dần mai một. “Mọi chuyện sẽ trở nên quá trễ nếu chúng ta không có các biện pháp và sự đầu tư thích đáng cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là sử thi Raglai”, ông Hợp nói.

 

Lớp truyền dạy sử thi Raglai
Lớp truyền dạy sử thi Raglai


Trên thực tế, sử thi Raglai vẫn còn được lưu giữ trong cộng đồng dân cư, nhưng những người còn biết và thuộc sử thi trên địa bàn huyện rất ít, đa số đều là những người cao tuổi. Bên cạnh đó, đời sống của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống chưa được quan tâm.


Với mục tiêu tìm ra giải pháp để khôi phục, bảo tồn sử thi Raglai, tác giả đề tài đã khảo sát thực tế, sưu tầm, lưu giữ những giá trị nghệ thuật diễn xướng sử thi; mở các lớp hướng dẫn, học tập cách diễn xướng sử thi cho học sinh người Raglai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, ở Khánh Sơn có 55 người biết hát sử thi Raglai, phân tán ở các xã, thị trấn. Trong đó, ở độ tuổi dưới 50 tuổi chỉ có 4 người, còn lại đều trên 50 tuổi. Những người này đang lưu giữ được 13 trích đoạn sử thi và 42 bài hát sử thi. Sau khi tổ chức thu âm những tác phẩm sử thi, tác giả đề tài đã tiến hành phiên âm, biên dịch thành 2 thứ tiếng Kinh và Raglai. Trong phạm vi đề tài, tác giả cũng đã mở được 1 lớp truyền dạy sử thi trong thời gian 6 tháng. Ông đã mời nghệ nhân dân gian Mấu Quốc Tiến truyền dạy cho 20 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện. Kết thúc khóa học, nhìn chung, các em tham gia lớp đều, cơ bản biết hát một vài trích đoạn sử thi.


Từ những hoạt động thực tế của mình, ông Hợp đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy sử thi Raglai. Trước hết, đó là cần có giải pháp bảo tồn chủ thể sáng tạo và thụ hưởng sử thi Raglai. Cụ thể, từng bước xây dựng các loại hình nhóm, câu lạc bộ sử thi Raglai ở các địa phương trong huyện; đưa loại hình sử thi vào các chương trình sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tiến đến tổ chức liên hoan các làn điệu sử thi Raglai. Cùng với đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy sử thi Raglai để góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở; có chế độ khuyến khích đối với những người trao truyền văn hóa dân tộc, nhất là với những nghệ nhân dân gian; khuyến khích lớp trẻ tìm hiểu, tiếp thu văn hóa dân tộc, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ. Để thực hiện tốt công tác sưu tầm sử thi trên địa bàn huyện, UBND huyện cần tạo điều kiện, chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành văn hóa lập đề án, kế hoạch cụ thể từng năm; quan tâm triển khai việc phục dựng sử thi Raglai bằng cách mở các lớp truyền dạy, hướng dẫn về cách diễn xướng và từng bước hình thành mô hình những câu lạc bộ sử thi. Ngoài ra, giải pháp phát triển sử thi thông qua phong trào văn nghệ quần chúng cũng được nhắc đến như một cách tạo sân chơi, môi trường diễn xướng sử thi trong điều kiện mới; phải làm sao gắn việc quảng bá sử thi với việc phát huy tiềm năng du lịch của địa phương.


Đánh giá về đề tài, các thành viên trong Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành cho rằng, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra được những giải pháp thiết thực để khôi phục, bảo tồn sử thi Raglai. Đây là cơ sở quan trọng giúp chính quyền địa phương có thể đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế để bảo tồn, phát huy sử thi Raglai trên địa bàn huyện. Thời gian tới, tác giả đề tài cần nghiên cứu, bổ sung thêm những giải pháp cụ thể, thiết thực để việc bảo tồn, phát huy sử thi Raglai thực sự đạt hiệu quả.


N.T - H.L