11:06, 09/06/2015

Khi văn học trẻ quá thiên lệch về một mảng đề tài

Thời gian gần đây, văn học Việt Nam xuất hiện một loạt cây bút trẻ, trong đó có những tác giả rất ăn khách. Điều đáng ngại, các tác giả này dường như đã chìm quá sâu vào đề tài tình yêu nam nữ.

Thời gian gần đây, văn học Việt Nam xuất hiện một loạt cây bút trẻ, trong đó có những tác giả rất ăn khách. Điều đáng ngại, các tác giả này dường như đã chìm quá sâu vào đề tài tình yêu nam nữ.


Từ người có sách bán chạy đến người mới chập chững viết sách đều hướng đến những câu chuyện tình buồn, những trò chơi “cút bắt” của tình yêu mà quên đi xã hội đang có nhiều vấn đề cần phản ánh. Số lượng tác phẩm đề cập đến những vấn đề xã hội kiểu như: Cơ bản là buồn - Nguyễn Ngọc Thuần, Người ngủ thuê - Nhật Phi…chiếm số lượng quá ít.

 

Một số cuốn sách của các cây bút trẻ được các đơn vị làm sách giới thiệu là bán chạy nhất năm 2014.
Một số cuốn sách của các cây bút trẻ được các đơn vị làm sách giới thiệu là bán chạy nhất năm 2014

 
Năm 2014, cuốn sách bán chạy nhất của văn học Việt Nam là Buồn làm sao buông (Anh Khang) - cuốn tản văn viết về tình yêu với những câu chuyện tình dang dở. Những câu văn bóng bẩy cùng với những triết lý kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” đã làm tan chảy trái tim những cô cậu tuổi mới lớn. Xếp sau cuốn sách này về độ ăn khách là Người yêu cũ có người yêu mới - Iris Cao, Anh sẽ yêu em mãi chứ - Hoa Linh Lan, Yêu người yêu người ta - Gia Đoàn, Em là để yêu - Phan Ý Yên. Ngoài ra còn một loạt tác phẩm lấy đề tài về tình yêu như: Có ai giữ giùm những lãng quên, Đừng chỉ hôn lên môi, Cho em thêm một ngày nữa để yêu thương, Chúng ta đã đi qua nhau như thế, Yêu em bằng trái tim, Mãi mãi sẽ hết vào ngày mai… Chỉ nhìn những tựa sách như trên người đọc cũng có thể hình dung ra được phần nào nội dung mà tác giả của nó đề cập.


Tôi cũng đã đọc thử để xác nhận lại nhận định của mình và nhận ra, đằng sau những cuốn sách ấy là những cảm xúc cá nhân, về mặt nghệ thuật văn chương chẳng có gì đáng bàn. Đơn cử, Người yêu cũ có người yêu mới gồm hơn 30 tản văn được Iris Cao viết dưới hình thức nhật ký online, đề cập đến cảm xúc khi chia tay, gặp lại người yêu cũ. Yêu người yêu người ta là những nhớ nhung, dằn vặt, khổ đau bởi một tình yêu đơn phương kiểu như: “Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu đêm. Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy. Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy. Em sẽ chờ như thể một tình yêu”. Những đơn vị xuất bản đã có những bài giới thiệu rất “kêu” đánh vào thì hiếu của giới trẻ, thậm chí có đơn vị còn in áo có hình bìa sách để bán cho độc giả trẻ…


Chìm sâu vào những câu chuyện tình, có thể thấy, văn học trẻ Việt Nam đã chịu sự ảnh hưởng của truyện ngôn tình Trung Quốc. Dường như, việc sách ngôn tình của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường sách văn học không chỉ ảnh hưởng đến độc giả mà còn cả giới sáng tác, nhất là những cây bút mới vào nghề. Vào các nhà sách bây giờ, có thể thấy rất nhiều cây bút chọn cách đặt tên tác phẩm, lối viết na ná các truyện ngôn tình của Trung Quốc. Trên báo Thể thao và Văn hóa, Hà Thu - Trưởng nhóm biên tập dòng sách văn học trẻ Việt Nam của Bachviet book nhận xét: “Dù chưa đến mức ảo như truyện ngôn tình, nhưng nhiều tác phẩm viết về tình yêu nam nữ của các tác giả trẻ Việt Nam có sự ảnh hưởng, rõ nhất đó là những câu chuyện tình yêu về trai xinh, gái đẹp, tình yêu hơi “ảo”, xa rời thực tế”. Điều này có lẽ không có gì khó hiểu, nhiều tác giả trẻ của Việt Nam cũng là độc giả của ngôn tình nên không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng cả về văn phong lẫn nội dung.


Văn học trẻ tất nhiên vẫn cần những tác phẩm về đề tài tình yêu, thế nhưng một khi quá thiên lệch về một mảng đề tài nào đó thì cần phải xem lại. Cuộc sống của giới trẻ đâu chỉ có tình yêu, những người trẻ tuổi hôm nay phải đối mặt với nhiều thứ hơn là những câu chuyện tình, đó là sự đứt gãy về văn hóa, sự khác biệt thậm chí là đối lập về quan niệm sống với thế hệ đi trước, sự cô đơn trong đô thị…, và nếu cao hơn nữa có thể là khát vọng của thế hệ trẻ hôm nay. Tất nhiên, mỗi tác giả có quyền lựa chọn cho mình một con đường đi, một đề tài để viết. Tuy nhiên, một khi đã cầm bút, ít ra hãy nghĩ đến cái khát vọng văn chương như nhà văn Hộ trong Đời thừa của Nam Cao, bởi những cái ăn xổi qua nhanh thì cũng chỉ được chào đón nhất thời.


THÀNH NGUYỄN