10:05, 04/05/2015

Ra mắt ấn bản mới: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ"

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" nhân kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2015). Cuốn sách được Trung tướng Phạm Hồng Cư viết với sự cộng tác của PGS.TS Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng.

Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” nhân kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2015). Cuốn sách được Trung tướng Phạm Hồng Cư viết với sự cộng tác của PGS.TS Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng.


Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được NXB Kim Đồng ấn hành lần này từng được NXB Thanh Niên ấn hành năm 2004. Ngoài 3 chương viết về tuổi thơ của Đại tướng cho tới khi gặp được Bác Hồ có bổ sung thêm một chương về tuổi hai mươi của Đại tướng.

 


Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được viết theo tâm nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Vào những năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời nhà văn Hữu Mai, Đại tá Phạm Chí Nhân và Trung tướng Phạm Hồng Cư đến để bàn về việc giúp Đại tướng viết hồi ký. Nhà văn Hữu Mai nhận nhiệm vụ viết về quãng thời gian từ khi Đại tướng gặp được Bác Hồ tới giai đoạn chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tá Phạm Chí Nhân viết phần Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trung tướng Phạm Hồng Cư viết về quãng thời gian từ khi Đại tướng ra đời đến khi gặp Bác Hồ.


Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được viết trong hai giai đoạn. Nhận nhiệm vụ của Đại tướng, nhưng phải đến khi nghỉ hưu (năm 1995), Trung tướng Phạm Hồng Cư mới có thể bắt tay viết được. Cuốn sách tái hiện quãng thời gian từ khi Đại tướng chào đời cho tới khi ra khỏi nhà lao Thừa Phủ. Đại tướng đã xem lại bản thảo trước khi được NXB Thanh Niên xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.


Cuốn sách khi đó chưa thực sự hoàn thiện theo tâm nguyện của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nhưng bởi thời điểm đó, ông bị một cơn đau tim, không thể tiếp tục viết được. Vài năm sau, khi đã bình phục, ông mới tiếp tục viết tiếp Chương 4 của cuốn sách mang tựa đề Tuổi hai mươi - tái hiện khoảng thời gian Đại tướng ra Hà Nội vừa làm nhà báo vừa làm thầy giáo, vừa là sinh viên trường Luật cho đến lúc nhận được lệnh của Trung ương cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc) gặp đồng chí Vương - bí danh của Bác Hồ khi đó.


Khi Trung tướng Phạm Hồng Cư hoàn thành bản thảo lần thứ hai, Đại tướng không còn khỏe nữa nên phu nhân Phạm Bích Hà đã đọc lại bản thảo trước khi gửi cho NXB Kim Đồng.


Cuốn sách sử dụng nhiều tư liệu quý, ngoài các tư liệu lịch sử, đặc biệt là những bức thư - những kỷ vật quý báu đã được gia đình Đại tướng trân trọng lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua, Trung tướng Phạm Hồng Cư còn công phu khảo cứu nhiều tư liệu của bạn bè quốc tế, hỏi chuyện nhiều bè bạn, bà con thời nhỏ của Đại tướng ở quê nhà.


Đọc “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về tuổi thơ, tuổi trẻ sôi nổi của Đại tướng; về quê hương, gia đình, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên vị tướng tài của dân tộc, một trong 21 vị danh tướng của thế giới.


T.A (Tổng hợp)