10:05, 09/05/2015

Sống lại ký ức một thời

Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít (9-5-1945 - 9-5-2015), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã trình chiếu lại bộ phim Và nơi đây bình minh yên tĩnh trong chương trình phim cuối tuần trên VTV1 (ngày 3 và 10-5). Trước đó, từ ngày 19-4, VTV2 cũng khởi chiếu lại loạt phim kinh điển của điện ảnh Nga vào 23 giờ từ Thứ hai đến Thứ sáu hàng tuần.

Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít (9-5-1945 - 9-5-2015), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã trình chiếu lại bộ phim Và nơi đây bình minh yên tĩnh trong chương trình phim cuối tuần trên VTV1 (ngày 3 và 10-5). Trước đó, từ ngày 19-4, VTV2 cũng khởi chiếu lại loạt phim kinh điển của điện ảnh Nga vào 23 giờ từ Thứ hai đến Thứ sáu hàng tuần. Đến nay, lần lượt các phim như 17 khoảnh khắc mùa xuân (12 tập), Khi đàn sếu bay qua, Trận cầu sinh tử, Teheran 1943 đã được giới thiệu đến khán giả truyền hình. Theo thông tin từ VTV, sắp tới đây sẽ chiếu phim Bài ca người lính, Matxcơva không tin vào nước mắt, Người thứ 41...

 

Ánh mắt ám ảnh của nữ nhân vật Veronica trong phim “Khi đàn sếu bay qua”.
Ánh mắt ám ảnh của nữ nhân vật Veronica trong phim “Khi đàn sếu bay qua”


Đầy tính nhân văn


Những bộ phim đầy tính nhân văn đã một lần nữa làm sống dậy tâm hồn Nga hồn hậu, tính cách Nga bình dị, nhân ái. Khán giả hẳn sẽ không quên cuộc chiến đấu can trường của Vaskov cùng các nữ chiến sĩ tiểu đội pháo cao xạ trong phim Và nơi đây bình minh yên tĩnh (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Boris Vasillyev). Giữa rừng già khắc nghiệt, chỉ với súng trường và lựu đạn, họ đã chiến đấu chống lại một tiểu đội 16 lính dù Đức thiện chiến với trang bị tối tân. Vì Tổ quốc, họ đã vĩnh viễn để lại tuổi thanh xuân giữa cánh rừng già, chỉ duy nhất Vaskov sống sót... Để rồi, 20 năm sau, khi Vaskov đưa người con trai nuôi thăm lại chiến trường xưa, mọi dấu vết chiến tranh dường như đã khép lại, trước mắt anh chỉ còn thấy nơi đây bình minh yên tĩnh.


Cũng trên VTV2, ngay sau phim 17 khoảnh khắc mùa xuân, người xem đã được thưởng thức kiệt tác Khi đàn sếu bay qua (đạo diễn Mikhail Kalatozov, chuyển thể từ kịch nói Những người sống mãi của Viktor Rozov), giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 1958. Là phim về chiến tranh, nhưng bộ phim này không diễn tả cái khốc liệt của chiến trường, mà đi sâu vào cuộc sống của người ở hậu phương. Mối tình thời chiến của Venonica và Boris; hình ảnh Venonica cô đơn giữa một thế giới đầy khói lửa bom đạn khi bố mẹ bị chết vì quân Đức dội bom, cô còn bị hiểu lầm là đã phản bội Boris... khiến người xem mềm lòng. Người xem sẽ nhớ mãi ánh mắt buồn thăm thẳm của Veronica, khi cô phải trải qua những ngày tháng chiến tranh khốc liệt trong sự chờ đợi và hy vọng. Chiến tranh là mất mát! Boris hy sinh ở mặt trận, nhưng trong lòng Veronica, anh vẫn sống mãi như lời người bạn của anh đã khẳng định: Họ không bao giờ quên những người đã mãi mãi ra đi trong chiến tranh.


Phim Trận cầu sinh tử (dựa trên một câu chuyện có thật về đội bóng của Liên Xô chơi một loạt trận đấu chống lại phe phát xít trong chiến tranh thế giới thứ 2) lại là một câu chuyện khác về tinh thần anh dũng của những người lính Nga. Trong trận đấu bóng với quân phát xít Đức, các chàng trai thuộc đội bóng “Start” của Liên Xô đã từ chối việc giả vờ thua, quyết tâm giành chiến thắng dù biết rằng điều này sẽ khiến họ cầm chắc cái chết. Hình ảnh người hùng thủ môn Nikolai Ranevich động viên đồng đội, điềm tĩnh đón nhận cái chết đã khắc họa rõ nét tính cách anh dũng của những người lính Nga.


Đáp ứng mong mỏi của khán giả


Sự trở lại của phim Nga đã được các khán giả yêu nước Nga, nhất là khán giả lớn tuổi, những người từng có thời gian sống và học tập tại nước Nga đón nhận rất nồng nhiệt. Ông Ngô Toàn (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) chia sẻ, thế hệ của ông, ai cũng mang trong mình tình cảm tốt đẹp về nước Nga. Xứ sở bạch dương xa xôi bỗng trở nên gần gũi qua những thước phim, trang sách thấm đẫm tính nhân văn. Hình ảnh anh lính Alyosha Skvortsov trong phim Bài ca người lính (kịch bản và đạo diễn Grigori Chukhrai) đã in đậm trong ký ức của ông, bởi nó có chút gì đó gần gũi với những người lính Việt Nam. Một người lính anh hùng thay vì nhận huân chương đã xin được nhận phần thưởng là về thăm mẹ để sửa lại mái nhà cho mẹ. Thế nhưng, trên đường đi, anh đã dùng quỹ thời gian ít ỏi của mình giúp đỡ nhiều người, để rồi khi gặp được mẹ cũng là lúc anh phải nói lời chia tay và tiếp tục ra mặt trận. “Việc VTV phát sóng lại những bộ phim Nga giúp tôi có dịp hồi tưởng quãng đời đã qua. Những bộ phim Nga, nhạc Nga... đã góp phần hun đúc lý tưởng cống hiến vì Tổ quốc cho thế hệ chúng tôi”, ông Toàn nói.


Một số khán giả trẻ cũng dành thời gian để xem phim. Bạn Nguyễn Thị Minh Châu - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cho biết: “Trước đây, em xem rất nhiều phim Hàn Quốc, Trung Quốc...; khi biết VTV phát sóng phim Nga, em cũng theo dõi. Em thấy phim Nga rất gần gũi với người Việt, ngợi ca những con người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc, đề cao tính nhân văn cao đẹp của con người”.


Việc VTV dành hẳn khung giờ để phát sóng phim Nga đã phần nào đáp ứng mong mỏi của khán giả yêu mến nước Nga. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, chiếu phim vào lúc 23 giờ là quá muộn, gây khó khăn cho người xem. Bên cạnh đó, một số khán giả mong muốn VTV cũng nên chiếu những phim Nga đương đại để khán giả có thể hiểu thêm về điện ảnh, xã hội nước Nga hiện nay.


THÀNH NGUYỄN