10:05, 12/05/2015

Những bộ sưu tập vỏ ốc

Dường như ai đã một lần đến với biển đều mong muốn có được những vỏ ốc đẹp để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, dành thời gian để tạo nên một bộ sưu tập độc đáo với hàng ngàn vỏ ốc khác nhau có lẽ không mấy người làm được.

Dường như ai đã một lần đến với biển đều mong muốn có được những vỏ ốc đẹp để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, dành thời gian để tạo nên một bộ sưu tập độc đáo với hàng ngàn vỏ ốc khác nhau có lẽ không mấy người làm được. Ở Nha Trang, hiện nay có một số người đam mê với thú chơi này và đã làm nên những bộ sưu tập rất quý.


Nhắc đến thú chơi vỏ ốc biển, nhiều người ở Nha Trang biết đến ông Đống Lương Sơn - Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Yasaka-Sàigòn-Nhatrang, người được tặng Kỷ lục bộ sưu tập vỏ ốc biển lớn nhất Việt Nam nhân dịp Festival Biển Nha Trang 2009 với hơn 5.000 vỏ. Bắt đầu sưu tầm từ năm 1983 đến nay, ông Sơn đã có trong tay khá nhiều vỏ ốc quý từ các vùng biển trong và ngoài nước. Hiện nay, khách đến Khách sạn Yasaka-Sàigòn-Nhatrang có thể được xem một phần bộ sưu tập của ông.

 

Một số vỏ ốc trong bộ sưu tập của ông Diêu Đức Cự.
Một số vỏ ốc trong bộ sưu tập của ông Diêu Đức Cự


Tuy ít người biết hơn, nhưng ông Diêu Đức Cự (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) cũng là người đam mê với thú sưu tầm vỏ ốc biển. Ông Cự cho biết, ngay từ nhỏ, ông đã mê vỏ ốc nhưng lại không có điều kiện để sưu tầm. Năm 2000, khi từ Huế vào định cư ở Nha Trang, ông mới có dịp để sưu tầm sau một chuyện khá tình cờ. “Một lần đi dạo biển, tôi gặp một lão ngư cầm trên tay vỏ ốc trắng muốt rất đẹp. Bắt chuyện, lão ngư cho biết đó là ốc sọ dừa - loài ốc chỉ có ở ngư trường Khánh Hòa. Không giấu được sự hiếu kỳ, tôi đã theo lão ngư này về tận nhà. Nhà ông có nhiều vỏ ốc rất đẹp với hình dáng khác nhau, trong đó có những loài tôi chưa nhìn thấy bao giờ…”, ông Cự kể. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã đánh thức đam mê từ ngày thơ bé và dần đưa ông Cự từ một người chơi đồ cổ trở thành người sưu tập vỏ ốc.


Kể từ đó, khi có thời gian, ông Cự lại lân la đến các làng biển, vựa ốc để tìm mua vỏ ốc biển mà ngư dân giữ lại, hoặc chờ những chuyến tàu đi xa trở về để mua những con ốc rêu xanh còn bám. Ngoài ra, ông còn đi tìm vỏ ốc ở các nhà hàng hải sản, điểm thu gom vỏ ốc để làm mỹ nghệ. Không ít lần chỉ vì thích một con ốc, ông phải mua luôn cả ký ốc tươi; thậm chí mỗi lần kiếm được tiền từ bán đồ cổ, ông lại dành chút ít để phục vụ niềm đam mê của mình. Chính vì thế, chỉ trong vòng mấy năm, ông Cự đã có một bộ sưu tập vỏ ốc khá lớn. Ngoài việc sưu tầm vỏ ốc trong nước, ông còn trao đổi với cả những nhà sưu tập ở Mexico, Brazil, Ai len… để làm phong phú hơn bộ sưu tập của mình. Đến nay, ông đã có hơn 2.000 vỏ ốc của gần 200 loài.

 

Một vỏ ốc quý của ông Cự được giới thiệu trên trang Stromboidea.com.
Một vỏ ốc quý của ông Cự được giới thiệu trên trang Stromboidea.com.


Trong quá trình sưu tập, ông Cự không chú trọng về số lượng mà là chất lượng cũng như sự đặc biệt của vỏ ốc như: kích cỡ lớn, hình thù dị dạng (đột biến), màu sắc khác thường. Hôm tôi đến, ông đem ra một con ốc nhảy có đuôi cuốn đến 3 vòng rất hiếm gặp và cứ xuýt xoa tiếc rẻ, vì có người không biết giá trị của nó nên đã đục lỗ để làm đồ mỹ nghệ. Hiện tại, ông có trong tay khá nhiều vỏ ốc quý như: ốc anh vũ, ốc tù và bông có kích thước lớn, những con ốc bàn tay bị dị dạng… Ngoài ra, ông còn có rất nhiều vỏ ốc quý như: ốc kim khôi đỏ, ốc kim khôi vàng với kích thước rất lớn, được đưa về từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.


Ngoài việc sưu tầm vỏ ốc, ông Cự còn bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm thông tin, hình ảnh của các loài ốc qua sách, mạng Internet. Do âm thầm sưu tầm nên người dân Nha Trang không biết nhiều về ông. Thế nhưng, với các nhà sưu tập quốc tế, cái tên Diêu Đức Cự không còn quá xa lạ. Hiện nay, trên trang web chuyên về ốc stromboidea.de có hẳn một trang dành riêng cho nhà sưu tập Diêu Đức Cự đến từ Nha Trang, Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhìn nhận mình chỉ là kẻ hậu bối trong thú sưu tầm vỏ ốc. Theo ông, ở Nha Trang có một người am hiểu rất nhiều về ốc cũng như có bề dày sưu tầm vỏ ốc. Đó là ông T., chủ cửa hàng mỹ nghệ ở đường Thống Nhất (TP. Nha Trang). Ông T. từng làm việc ở Viện Hải dương học Nha Trang, từng có nhiều công trình nghiên cứu về ốc biển, được mời đi nước ngoài dự các hội thảo liên quan đến ốc biển…Chúng tôi có nhờ người quen ngỏ lời để được tìm hiểu kỹ hơn về thú chơi này nhưng đã bị ông T. từ chối.


Những người sưu tập cho biết, họ đến với thú chơi này trước hết là đam mê chứ không phải kiếm tiền. Chính vì vậy, họ luôn giữ lại cho mình những vỏ ốc quý, đẹp được khai thác từ ngư trường trong nước, xem đây như một bằng chứng về sự giàu có của biển Việt Nam nói chung và biển Khánh Hòa nói riêng.


THÀNH NGUYỄN