Những bài hát viết về Bác của nhạc sĩ Trần Hoàn luôn có sức lay động lòng người, bởi hình ảnh "người cha già của dân tộc Việt Nam" trong âm nhạc của ông giản dị mà cao đẹp như chính con người Bác.
Những bài hát viết về Bác của nhạc sĩ Trần Hoàn luôn có sức lay động lòng người, bởi hình ảnh “người cha già của dân tộc Việt Nam” trong âm nhạc của ông giản dị mà cao đẹp như chính con người Bác.
Với các nhạc sĩ Việt Nam, viết về Bác là niềm vinh dự lớn. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng nằm trong số đó, tiêu biểu nhất có các nhạc phẩm: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (sáng tác năm 1980), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (năm 1989) và Thăm bến Nhà Rồng (năm 1990). Nhạc sĩ Trần Hoàn đã miêu tả một cách chân thực, mộc mạc hình tượng người cha già của dân tộc. Ông không dùng những lời ca bóng bẩy, hay hô hào khẩu hiệu để ca ngợi Bác; thay vào đó, ở mỗi bài hát, ông đều kể lại cho người nghe về một đoạn đời của Bác hay tình cảm của Người với đất nước, dân tộc Việt Nam.
Tiết mục ca ngợi Hồ Chủ tịch do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn tại Tượng đài Bác Hồ, TP. Cam Ranh tối 18-5. |
Trong ca khúc Thăm bến Nhà Rồng, bằng giai điệu mượt mà, đậm chất dân ca Nam bộ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã miêu tả khá sinh động hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu đi tìm đường cứu nước. Bài hát mở đầu bằng giai điệu thiết tha, dìu dặt: Ai về Thủ Thiêm, ai qua Bến Nghé. Ai xuôi ai ngược nhớ ghé bến Nhà Rồng. Chiều về khói tỏa bên sông, lặng nghe câu hát chạnh lòng nước non… Từ đó, cái “tôi” hòa trong cái “ta”, tiếng lòng tác giả cũng là tiếng lòng của mỗi người dân Việt khi ghé đến bến Nhà Rồng, nhìn con tàu hôm nay mà cứ “tưởng con tàu rời xa bến năm nào”. Từ quá khứ, nhạc sĩ ngược dòng thời gian đưa người nghe trở về với hiện tại: Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu. Một loạt câu hỏi đặt ra như tiếng nấc nghẹn ngào: Bùi ngùi xót xa, về những ngày qua, lúc cập thuyền ai đưa tiễn Người đi, hay chỉ mình Bác khăn gói biệt ly… Hỏi để mình tự trả lời, để tự giãi bày tấm lòng của mỗi người con đất Việt với vị lãnh tụ kính yêu. Âm hưởng dân ca Nam bộ đã tạo nên không gian buồn man mác như nỗi buồn trong tâm hồn Bác lúc rời xa xứ sở. Toàn bộ lời hai của bài hát vẫn là một sự vời vợi nhớ thương và lòng biết ơn của người dân đất Việt đối với Bác.
Với ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, nhạc sĩ Trần Hoàn lại gợi cho chúng ta nhớ về một giai đoạn Bác tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin. Điệu hò sông nước lưu luyến tình đất nước. Gợi nên hình của Bác lúc tìm về Lênin. Nghe khúc hát này, trong ta lại hiện lên hình ảnh Bác ngồi nghiên cứu luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Có lẽ, xúc động hơn cả là ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Bài hát được nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca khúc là một câu chuyện xúc động về những giây phút trước lúc Người lâm chung. Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi… Trước ranh giới sự sống và cái chết, Bác chỉ muốn nghe câu hò Huế, bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền, từ khi tạm biệt xứ Huế để vào Nam, rồi xuất ngoại tìm đường cứu nước trở về, Người vẫn chưa một lần có dịp trở lại cố đô. Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví. Nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi… Bác muốn nghe một đôi làn quan họ, bởi bài ca đất nước sao quên... Nỗi mong ước của Bác dường như ngày càng cấp thiết hơn: Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời, người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.
Nhạc sĩ Trần Hoàn không phải là người có nhiều sáng tác về Bác, nhưng nhắc đến các ca khúc viết về Bác không thể không nói đến ông. Âm nhạc và lời ca trong những ca khúc viết về Bác của ông giản dị như phong cách sống của Người, giản dị nhưng sâu lắng và giàu chất thơ. Nghe các ca khúc của ông, chúng ta có thể hình dung được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những mốc quan trọng nhất. Ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, Người tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Khi trở thành vị lãnh tụ đứng đầu đất nước, Bác vẫn giữ tác phong giản dị với trái tim yêu nước, thương dân không gì so sánh được. Không những thế, Bác còn là nhà văn hóa lớn, luôn quan tâm đến nền văn hóa dân tộc như nhạc sĩ đã viết: Rằng, đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca.
XUÂN THÀNH