07:05, 30/05/2015

Gìn giữ tinh hoa nghệ thuật tuồng

Cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống (NTTT), nghệ thuật tuồng đang phải đối mặt với không ít khó khăn để bảo tồn và phát huy…
 

Cũng như nhiều môn nghệ thuật truyền thống (NTTT), nghệ thuật tuồng đang phải đối mặt với không ít khó khăn để bảo tồn và phát huy…
 
Khán giả chưa quay lưng với tuồng

 

Giới thiệu một trích đoạn tuồng.
Giới thiệu một trích đoạn tuồng.
Theo chân đoàn diễn viên Nhà hát NTTT tỉnh trong những chuyến đi biểu diễn phục vụ lễ hội tại các địa phương, chúng tôi thấy tuồng vẫn làm say mê nhiều thế hệ khán giả. Từ chập tối, nghe loa phát thanh thông báo sắp đến vở diễn Quỳnh Hoa hoàng hậu tại đình Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang), nhiều gia đình trong thôn đã vội vã thu xếp công việc, í ới gọi nhau ra sân đình để xem tuồng. Từ các bậc cao niên cho đến các em nhỏ đều bị cuốn hút vào từng lớp diễn, say sưa với từng bước đi, điệu múa của diễn viên, thể hiện xúc cảm với từng giai đoạn cuộc đời chìm nổi của hoàng hậu Quỳnh Hoa.
Theo dõi vở diễn từ đầu đến cuối, bà Nguyễn Thị Quyên (xã Vĩnh Thạnh) bày tỏ: “Lâu lắm rồi tôi mới được xem trực tiếp một vở diễn tuồng. Tôi rất thích vở tuồng này, vì các diễn viên diễn rất xúc động và chân thật, lôi cuốn người xem”. Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Kim Khiêm (đóng vai hoàng hậu Quỳnh Hoa) chia sẻ: “Vở diễn đã được ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh viết lại lời cho các vai diễn dựa theo cốt truyện dân gian. Đi biểu diễn ở đâu, vở tuồng này cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Tình cảm của khán giả là động lực rất lớn để những nghệ sĩ như chúng tôi tiếp tục cố gắng...”.

 

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Khiêm (bìa trái) trong vai hoàng hậu Quỳnh Hoa.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Khiêm (bìa trái) trong vai hoàng hậu Quỳnh Hoa.
Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm gìn giữ tinh hoa nghệ thuật tuồng cổ. Nghệ sĩ Ưu tú Lưu Kim Hùng (Nhà hát NTTT tỉnh), người có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng chia sẻ, sự hỗ trợ đó giúp các diễn viên có thể sống được với nghề và chuyên tâm vào nghiệp diễn. Bên cạnh đó, những năm qua, tuồng đã trở thành sản phẩm du lịch. Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy NTTT. Từ khi chính thức công diễn buổi đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (đầu năm 2012) đến nay, các đêm diễn trích đoạn tuồng vào Thứ bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần luôn thu hút một lượng lớn khán giả và du khách đến theo dõi.
 
Bà Katherina (du khách Nga) tỏ ra rất thích thú với những gương mặt được hóa trang cầu kỳ, độc đáo của diễn viên tuồng. Theo bà, biểu diễn tuồng đem đến nét riêng cho thành phố biển và là một hình thức thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Còn chị Nguyễn Thị Đức - giáo viên Trường Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh cho biết, cứ có thời gian rảnh rỗi, vợ chồng chị lại đến xem các buổi biểu diễn NTTT tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào cuối tuần. “Việc biểu diễn cho khán giả xem tuồng miễn phí và cho khán giả chụp hình cùng diễn viên là một cách quảng bá hiệu quả cho nghệ thuật tuồng. Từ các trích đoạn tuồng, cái hay, cái đẹp của môn nghệ thuật này sẽ ngày càng lan tỏa tới đông đảo khán giả” - chị Đức nói. 
 
Trăn trở về đội ngũ kế thừa
 
Để khán giả không quay lưng với tuồng, một trong những điều cần làm là giúp họ hiểu hết cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật này. Dự án “Sân khấu học đường” ra đời không nằm ngoài mục đích “ươm mầm” một lớp khán giả trẻ. Ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết, năm 2000, nhà hát (khi đó là Nhà hát tuồng Khánh Hòa) đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ FORD (Thụy Điển) để thực hiện dự án này. Các nghệ sĩ đã đến 3 trường THCS (Võ Văn Ký, Thái Nguyên, Mai Xuân Thưởng) truyền đạt cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng cho giáo viên và học sinh, diễn mẫu những trích đoạn đặc sắc và hướng dẫn các em học theo. Nhiều em tỏ ra rất say sưa, hào hứng. 6 tháng sau, đoàn học sinh Khánh Hòa được chọn ra biểu diễn tổng kết tại Hà Nội... Dự án không chỉ giúp học sinh hiểu và yêu thích nghệ thuật tuồng, mà còn phổ biến NTTT tới gia đình, bạn bè. Thế nhưng, do thiếu kinh phí hoạt động, dự án đã phải dừng lại. Từ năm 2005 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, diễn viên Nhà hát NTTT tham gia biểu diễn mỗi năm từ 20 đến 30 suất diễn tại các trường tiểu học và THCS. “Con số này còn khiêm tốn so với mục tiêu bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng” - ông Thêm nói. 

 

Nghệ sĩ hóa trang trước giờ diễn.
Nghệ sĩ hóa trang trước giờ diễn.
Làm thế nào để đào tạo được lực lượng diễn viên trẻ kế thừa đang là vấn đề trăn trở của những người tâm huyết với nghệ thuật tuồng. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Kim Hùng, diễn viên ngoài chất giọng bẩm sinh còn phải trải qua thời gian dài trau dồi, khổ luyện. “Một diễn viên muốn diễn thuần thục một vai có khi phải mất tới 10 năm. Thế nhưng, số lượng diễn viên trẻ có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn đó không nhiều. Đào tạo nên một nghệ sĩ tuồng đã khó, để “giữ lửa” nghề cho các em lại càng khó hơn” - ông Hùng nói. 
 
Ông Nguyễn Tứ Hải cũng không giấu được nỗi niềm trăn trở về tương lai của nghệ thuật tuồng khi mà các loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại ngày càng nở rộ. Theo ông, mặc dù được tỉnh rất quan tâm, khán giả ủng hộ, diễn viên tâm huyết với nghề, nhưng nếu không phát triển được đội ngũ kế cận thì việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động sáng tác kịch bản tuồng chưa phát triển, một số vở mới chất lượng không cao; có những vở được đầu tư nhiều, được giới nghệ thuật đánh giá là đặc sắc nhưng lại không thu hút khán giả. Ông Hải cho rằng: “Phải giữ gìn cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng bằng cách phát huy tinh hoa của nó, chắt lọc tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác để bổ sung cho tuồng và phù hợp với xã hội hiện nay. Điều quan trọng nhất là công tác đào tạo, trẻ hóa đội ngũ diễn viên mới có thể bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng”.
 
QUỲNH DUNG