10:05, 09/05/2015

Giai điệu Nga trong trái tim Việt

Cùng với văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc của nước Nga - Xô Viết đã thực sự như một dòng chảy tự nhiên hòa vào dòng sông văn hóa tâm hồn Việt, làm chan chứa yêu thương những trái tim một thời.

Cùng với văn học, điện ảnh, hội họa, âm nhạc của nước Nga - Xô Viết đã thực sự như một dòng chảy tự nhiên hòa vào dòng sông văn hóa tâm hồn Việt, làm chan chứa yêu thương những trái tim một thời.


Một buổi tối, trong một quán giải khát ở TP. Nha Trang, tôi tình cờ gặp hai người Nga đã đứng tuổi. Sau khi nói chuyện với họ bằng vốn tiếng Nga bập bẹ của mình, tôi mở điện thoại cho họ nghe bài hát Địa chỉ chúng tôi - Liên bang Xô Viết - CCCP qua tiếng hát của ca sĩ Ái Vân: Quê hương gọi mỗi chúng ta cùng đi khắp nơi từ đầm lầy tới miền đất xa xôi, đôi tay cùng trái tim chúng ta ngày ngày nhiệt tình đắp xây cuộc sống... Không ngờ, hai người bạn Nga lắng nghe chăm chú rồi cùng cất tiếng hát theo nhịp sôi nổi của bản nhạc lừng danh một thời. Vâng, có thể CCCP đã đi vào quá khứ với người Nga và cả người Việt hôm nay, nhưng những bài hát Nga - Xô Viết vẫn dạt dào cảm xúc khi nghe lại. Nói như nhạc sĩ Trần Tiến: “Những bài hát hát Nga đã là một phần tuổi trẻ của chúng tôi. Thúc giục, nâng bước trưởng thành cống hiến. Hòa vào máu thịt để sống với thời đại...”.

 


Âm nhạc Nga vào Việt Nam một cách đầy đủ, trọn vẹn một nền âm nhạc vĩ đại: nhạc bác học, hành khúc cách mạng, nhạc trẻ và thiếu nhi. Dòng nhạc Nga cứ rì rào thấm chảy suốt gần 70 năm vào dòng sông âm nhạc Việt, tạo góc riêng biệt đầy cảm xúc. Nhiều bài hát Nga trở thành cảm xúc tràn trề kỷ niệm.


Nhạc Nga - Xô Viết vào Việt Nam từ đầu những năm cách mạng bằng những hành khúc rất sôi nổi đầy tính chiến đấu như: Kachiusa, Thời thanh niên sôi nổi, Tổ quốc, Địa chỉ chúng tôi - Liên bang Xô Viết... Chính những bài hát tràn trề nhiệt huyết này đã thúc giục lớp lớp thanh niên tiến lên. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người nổi tiếng dịch rất nhiều bản nhạc cách mạng Xô Viết kể lại rằng, ngay từ khi đang là học viên trường Học xá ở Trung Quốc, tuy không biết tiếng Nga nhưng trên các nốt nhạc ông đã thấy như những tiếng kèn đồng xung trận. Không cần đắn đo, ông đã dịch và sau này khi đưa bản dịch cho chuyên gia biết tiếng Nga xem thì thấy rất chuẩn.


Nếu như các nhạc sĩ, nhạc công hay nghệ sĩ biểu diễn được học hành bài bản rất chú tâm chơi những bản giao hưởng, tổ khúc hay nhạc kịch bác học của Tchaikovsky, Karsakov, Borodin... đầy hoành tráng và sang trọng thì các cháu thiếu nhi Việt Nam thập niên 80 lại hồn nhiên, say sưa ôm gấu Misa thân thương hát vang những bài hát tuổi thơ Nga như: Nụ cười, Hãy để mặt trời chiếu sáng, Ở trường cô dạy em thế... Các học sinh trung học hát vang trong những lễ hội dân các ca khú: Xiberi nở hoa, Điệu nhảy trên trống, Cuộc sống ơi ta mến yêu người... Những giai điệu trẻ trung đã tạo nền cho đời sống tinh thần của các bạn trẻ một thời.


Nhưng có lẽ thấm đẫm nhất vẫn là những bản tình ca Nga. Mọi người đều nhớ giai điệu trữ tình của: Cây thùy dương, Chiều Moscow, Đôi mắt huyền, Đôi bờ, Chiều hải cảng, Lòng thủy chung của đôi chim thiên nga... Nghe giai điệu có thể hình dung ra những rừng bạch dương xôn xao trong gió lạnh, hàng thùy dương vu vi bên hồ nước trong veo hay bầu trời nước Nga xanh thẳm, tiếng chuông ngân buồn buổi chiều hiu quạnh hay những bến cảng ngập tràn cánh hải âu cô đơn miền Hắc Hải... Nhưng trên tất cả đó là tâm hồn Nga đa cảm, nhân hậu, bao dung và vị tha. Tình ca Nga đã góp phần xoa dịu những nỗi đau của người Việt trong và sau chiến tranh. Vì hơn ai hết, nỗi đau của hàng triệu cô gái Nga đã đứng lặng bên dòng Vôn-ga, Lena, Yenisei hay những hồ nước đầy lá vàng của Levitan như cột tuyết trắng... trên những cánh đồng Nga ngập tràn hoa hướng dương hy vọng... Nước Nga đã hiến dâng cho nhân loại gần 60 triệu người con trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Bởi thế, ta đã hiểu vì sao tình ca Nga lại hay như thế. Những “Cây thùy dương” đã ngả đầu vào lũy tre Việt cảm thông và chia sẻ: Chiều dần buông màu tím vàng. Bên sông lời hát êm đềm. Hòa với tiếng đàn đêm chập chùng bay về phía chân trời…


Tình khúc Nga bùng nổ đầy hiện đại, trẻ trung vào đầu thập niên 90 với: Triệu bông hồng, Đôi mắt màu hạt dẻ, Cám ơn trái tim, Nghệ sĩ với cây đàn. Trong đó, bài hát Triệu bông hồng đã làm lay động triệu trái tim đang yêu theo cách đậm chất nghệ sĩ Nga: Dưới ánh nắng sương long lanh triệu cành hồng khoe sắc thắm… Tặng một đại dương hoa hồng thắm. Bài hát được All Pugacheva - người đàn bà hát nổi tiếng của Nga cho tới Ái Vân, Lệ Quyên hát. Đây là bài hát đỉnh cao của nhạc nhẹ Nga cho tới tận bây giờ.


Nước Nga - Xô Viết trong 70 năm qua cho tới bây giờ vẫn là người bạn lớn của Việt Nam, âm nhạc đã trở thành cầu nối giữa nền văn hóa của hai nước. Giai điệu Nga luôn chan chứa trong trái tim người Việt.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG