Sinh thời, Bác Hồ dành tình thương bao la cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thiếu nhi. Hàng năm, mỗi dịp đến Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Người luôn viết thư, làm thơ thăm hỏi, động viên các cháu thi đua học tập, rèn luyện để trở thành người tốt.
Sinh thời, Bác Hồ dành tình thương bao la cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thiếu nhi. Hàng năm, mỗi dịp đến Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Người luôn viết thư, làm thơ thăm hỏi, động viên các cháu thi đua học tập, rèn luyện để trở thành người tốt.
Sau những năm tháng bôn ba đi tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác về nước. Ngay Trung thu năm đó, Người đã làm thơ gửi cho thiếu nhi cả nước. Trong thơ, Người rất đau lòng vì “vận nước gian nan” nên trẻ em mới phải chịu cảnh lầm than, không được học hành, nhiều em phải đi ở đợ. Ngay lúc ấy, Bác đã hứa: Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.
Bác Hồ nói chuyện với thiếu nhi |
Mùa thu năm 1945, ngay khi nước nhà vừa được độc lập, Bác đã 2 lần gửi thư cho các cháu thiếu nhi. Ngày 17-9-1945, Người đã có bức thư “Trung thu với nền độc lập” gửi đến thiếu nhi cả nước. Trong thư, Bác bày tỏ niềm vui chung với các em nhỏ, vì các em “đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Và Người ân cần dặn dò: Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập… Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong hội. 5 ngày sau (ngày 22-9-1945), Bác lại viết “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam - Đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Trong thư, ngoài việc bày tỏ tình cảm, những lời căn dặn ân cần về việc học tập, yêu kính mẹ cha, yêu nước, Bác còn cùng các em hô vang khẩu hiệu “Trẻ em Việt Nam sung sướng” và “Việt Nam độc lập muôn năm” như muốn gửi thông điệp đến với toàn dân. Cũng trong mùa thu năm ấy, Bác còn gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường, bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ nước nhà: Non sông Việt có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu.
Trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn với việc bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước, Bác vẫn không quên làm thơ gửi cho thiếu nhi: Bác mong các cháu chăm ngoan/Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng/Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, khi mọi việc đã tạm thời ổn định, từ năm 1948 đến 1954, Bác luôn viết thư, làm thơ gửi cho thiếu nhi trong ngày 1-6 hoặc Tết Trung thu. Nếu như thư năm 1948, Bác động viên các em nhỏ vui Trung thu, tin tưởng thắng lợi của kháng chiến thì thư Trung thu năm 1949, Người khen ngợi “các cháu tiến bộ hơn năm ngoái” cả “về mặt thi đua học hành” và “về mặt tham gia kháng chiến”. Những lời động viên đó đã giúp thiếu nhi thêm hăng hái. Năm 1950, lần đầu tiên, Bác gửi thư cho thiếu nhi nhân ngày 1-6 đăng trên báo Sự Thật. Trong thư, sau khi lý giải vì đất nước đang kháng chiến nên điều kiện dành cho thiếu nhi chưa đủ đầy, Bác đã hứa với các cháu: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng... Một năm sau, người lại có thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Cũng lời lẽ thiết tha, trìu mến, Người gửi lời thăm hỏi các cháu, khuyên các cháu thi đua, tăng cường đoàn kết thiếu nhi trong nước với thiếu nhi quốc tế.
---
Cũng trong năm 1951, Bác có “Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng” với những câu thơ mở đầu đã đi vào lòng bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam: Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/Sau đây Bác viết mấy dòng/Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương. Thư Trung thu năm 1952, sau khi tỏ lời khen ngợi, động viên, căn dặn các cháu, Bác kết thúc bức thư bằng những vần thơ giản dị, đầy tình thương: Ai yêu các nhi đồng/Bằng Bác Hồ Chí Minh/Tính các cháu ngoan ngoãn/Mặt các cháu xinh xinh/Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành /Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh. Tết Trung thu 1953, Bác viết một lá thư bằng thơ để gửi đến thiếu nhi. Trong thư Người viết: Thu này Bác gửi thơ chung/Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/Thu này hơn những thu qua/Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần/Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông/Đưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay/Các cháu vui thay!Bác cũng vui thay!/Thu sau so với thu này vui hơn. Một lá thư thăm hỏi động viên các cháu thiếu nhi đã trở thành lời tiên đoán hiệu nghiệm, bởi chưa đầy 1 năm sau, thực dân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ.
Trong những năm sau đó, Bác Hồ vẫn luôn có thư gửi thiếu nhi nhân ngày 1-6 hoặc Tết Trung thu. Trong thư, bao giờ Bác cũng nhắc nhở các em rèn luyện, phấn đấu học tập, lao động, biết thực hành tiết kiệm, biết giữ gìn đạo đức trong sạch... Trước lúc đi xa, tháng 6-1969, Bác Hồ vẫn nhắc nhở “nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng”.
Năm tháng đã qua, những vần thơ và thư của Bác vẫn còn đọng lại trong lòng người dân Việt Nam. Đọc lại những vần thơ và thư Bác gửi cho thiếu nhi, chúng ta càng hiểu thêm tấm lòng nhân ái bao la và tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với sự nghiệp chăm lo cho các thế hệ tương lai của đất nước.
XUÂN THÀNH