10:04, 27/04/2015

Nhạc sĩ Lê Văn Cầu: Người bạn của thiếu nhi

Tin nhạc sĩ Lê Văn Cầu - Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi 2014 - 2015 do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức...

Tin nhạc sĩ Lê Văn Cầu - Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi 2014 - 2015 do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức khiến bạn bè anh rất vui mừng. Vậy là sau bao nhiêu năm lặng lẽ cống hiến với công tác đoàn đội, âm thầm với những sáng tác cho thiếu nhi, anh đã được ghi nhận bằng một giải thưởng lớn.


Trưởng thành từ Thanh niên xung phong


Nhạc sĩ Lê Văn Cầu rất cởi mở khi bộc bạch chuyện đời, chuyện nghề của mình. Anh luôn tự hào là cựu Thanh niên xung phong (TNXP). Hỏi chuyện mới biết, anh lớn lên ở Nha Trang. Đất nước thống nhất, anh tình nguyện vào lực lượng TNXP đi xây dựng khu kinh tế mới Cổ Chi 2 ở huyện Khánh Vĩnh, xây dựng công trình thủy lợi Đá Bàn. “Đời sống TNXP rất vất vả, nhưng ai cũng lạc quan, vui vẻ. Buổi tối, chúng tôi tổ chức học chính trị, sinh hoạt văn nghệ rất sôi nổi...”, anh Cầu nhớ lại.

 

Nhạc sĩ Lê Văn Cầu tặng tập nhạc Trường Sa thân yêu cho thiếu nhi huyện đảo.
Nhạc sĩ Lê Văn Cầu tặng tập nhạc Trường Sa thân yêu cho thiếu nhi huyện đảo


Với khả năng chơi nhạc từ ngày còn ở trường học, anh nhanh chóng trở thành hạt nhân văn nghệ của đại đội TNXP. Sau một thời gian phấn đấu, anh đã được kết nạp Đoàn - điều bây giờ thấy giản đơn, nhưng khi ấy là cả một niềm tự hào với những thanh niên lớn lên ở đô thị miền Nam. Năm 1977, anh Cầu về công tác ở Tỉnh đoàn với nhiệm vụ tổ chức, gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ cho lực lượng đoàn viên, thanh niên. Kể từ đây, anh gắn bó luôn với công tác đoàn, từ Hội Liên hiệp Thanh niên chuyển qua Trường đoàn, về Nhà Thiếu nhi tỉnh vài năm rồi lại được điều lên Tỉnh đoàn... Mãi đến năm 1999, anh mới “định cư” ở Nhà Thiếu nhi tỉnh cho đến bây giờ.


Trong những ngày công tác đoàn đội đó, anh Cầu đã tập tành sáng tác. “Hồi đó, phong trào văn nghệ của đoàn rất sôi nổi, nên bên cạnh những bài hát truyền thống, tôi còn làm các tiết mục tự biên để anh em diễn xuất. Sau này, về công tác ở Nhà Thiếu nhi, do yêu cầu thực tế nên tôi phải sáng tác để các em có tiết mục biểu diễn. Cứ thế, tôi dính vào nghiệp sáng tác từ lúc nào không hay...”, nhạc sĩ Lê Văn Cầu kể.


Người bạn của thiếu nhi


Nhớ lại con đường đã qua, nhạc sĩ Lê Văn Cầu vẫn thầm cảm ơn quãng thời gian được tôi luyện trong phong trào TNXP. Đến nay, anh đã có gần 100 ca khúc, trong đó có đến hơn 2/3 là nhạc thiếu nhi. “Mình gần gũi với các em, yêu sự hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ nên dễ đồng cảm với thiếu nhi. Mỗi khi các em nói không có bài để dự thi, mình lại bắt tay vào sáng tác... Viết nhạc cho các em, mình như được trẻ lại, sống lại một thời học trò...”, anh bày tỏ.


Rất nhiều ca khúc được ra đời theo “yêu cầu” của thiếu nhi lại thành công ngoài mong đợi. Đơn cử, năm 2007, Nhà Thiếu nhi tỉnh chuẩn bị dự Liên hoan Búp sen hồng, nhưng sát đến ngày đi, em Bách Hợp (người được chọn hát đơn ca) vẫn chưa có bài để dự thi. Vì vậy, anh phải ngồi vào bàn sáng tác. Sau 2 đêm, anh đã hoàn thành ca khúc Cây bàng có trái hình vuông. Anh gấp rút tập luyện cho học trò và đã góp phần đem lại thành công cho chương trình biểu diễn của đoàn Khánh Hòa. “Hồi đó, tôi chưa hề nhìn thấy trái bàng vuông. Để viết ca khúc này, tôi phải đến gặp những người từng đi Trường Sa để hỏi chuyện về cây bàng vuông, xem hình trái bàng vuông... để lấy cảm hứng, tư liệu sáng tác”, anh kể. Năm 2009, Cây bàng có trái hình vuông đã đoạt giải ba Cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi do Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 2011, ca khúc này cùng với ca khúc Quê hương thành phố mặt trời cũng đã được trao giải nhì trong cuộc thi sáng tác ca khúc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi 2014 - 2015 do VOV phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức có hơn 700 tác phẩm tham gia. Ban tổ chức đã chọn 12 tác phẩm để trao giải, trong đó Trường Sa, huyện đảo quê em được trao giải nhất. “Khi biết tin mình đoạt giải, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc. Tôi xin dành tặng giải thưởng này cho thiếu nhi ở huyện đảo Trường Sa, vì bài hát Trường Sa, huyện đảo quê em đã thấm vị mặn của biển”, nhạc sĩ Lê Văn Cầu bày tỏ.


Theo nhạc sĩ Lê Văn Cầu, trước đây, khi viết nhạc cho thiếu nhi, anh thường viết về tình cảm với cha mẹ, thầy cô... Vài năm trở lại đây, anh thường gắn các sáng tác thiếu nhi với biển, đảo quê hương. Năm 2011, anh đã viết Biển Đông - niềm tin Tổ quốc để Nhà Thiếu nhi tỉnh dự Liên hoan các cung thiếu nhi toàn quốc ở Hà Nội. Tiết mục này đã đoạt huy chương vàng, sau đó được ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đưa vào giảng dạy cho học sinh tiểu học. Trong dòng cảm xúc đó, năm 2012, người nhạc sĩ của Nha Trang viết tiếp ca khúc Trường Sa huyện đảo quê em. Điều ít người biết, khi viết ca khúc này, nhạc sĩ Lê Văn Cầu vẫn chưa một lần đến Trường Sa. Tháng 4-2012 khi được đi Trường Sa, anh đã gom các bài hát về biển, đảo làm tập nhạc Trường Sa thân yêu để tặng cho thiếu nhi huyện đảo. Kể chuyện đến đây, anh bật máy tính cho tôi xem những hình ảnh kỷ niệm chụp chung với thiếu nhi các xã đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa với một niềm vui vẫn chưa phai.


Trước khi chia tay tôi, anh tâm sự, anh rất biết ơn cách mạng, nếu không có chiến thắng lịch sử 30-4, có thể anh đã bị bắt đi lính cầm súng chống lại đồng bào mình. Bây giờ, anh rất hạnh phúc được làm một nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi.


XUÂN THÀNH