09:03, 07/03/2015

Nét văn hóa độc đáo đang được phục hồi

Một thời gian khá dài, lễ hội cúng bến nước của đồng bào Ê Đê gần như biến mất trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhưng nay, lễ hội này đang dần được phục hồi.

Một thời gian khá dài, lễ hội cúng bến nước của đồng bào Ê Đê gần như biến mất trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhưng nay, lễ hội này đang dần được phục hồi.

 

1
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội cúng bến nước thôn Buôn M’Đung, xã Ninh Tây

 
Xuất phát từ quan điểm đa thần “vạn vật hữu linh”, đồng bào Ê Đê sinh sống tại các thôn (buôn làng) trên địa bàn xã Ninh Tây luôn quan niệm rằng mỗi buôn làng đều có một vị thần bến nước trấn giữ bảo vệ. Do vậy, theo tục lệ hàng năm, vào những ngày đầu tháng Giêng âm lịch, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, đồng bào Ê Đê thường tổ chức lễ hội cúng bến nước nhằm tạ ơn, cầu khẩn thần linh phù hộ và mang về nguồn nước sạch, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no cho người dân với các hoạt động văn hóa truyền thống, tâm linh mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, lễ hội này đã bị quên lãng và dần mất đi giá trị văn hóa truyền thống của nó.


Trong một nghiên cứu về lễ hội cúng bến nước tại buôn Lác, buôn Sim xã Ninh Tây (năm 2012), ông Nguyễn Văn Lương, cán bộ phụ trách văn hóa Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Ninh Hòa đã đề cập đến tình trạng mai một của lễ hội này trong đời sống đồng bào Ê Đê. Theo đó, xã Ninh Tây hiện có 5 thôn buôn, trong đó có 4 thôn buôn là: Buôn Lác, Buôn M’Đung, Buôn Sim, Buôn Tương có khá đông đồng bào Ê Đê sinh sống. Tuy nhiên, trước đó chỉ có Buôn Lác, Buôn Sim duy trì việc tổ chức lễ hội cúng thần bến nước như một hoạt động văn hóa truyền thống, còn ở các thôn buôn khác, lễ hội này dường như bị mai một và mất hẳn. Nguyên nhân của thực trạng trên một phần do những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đời sống kinh tế thị trường khiến các giá trị văn hóa truyền thống không được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.


Theo già làng Y Tài, thôn Buôn M’Đung: “Ngày xưa, hàng năm, cộng đồng dân cư các thôn đều tổ chức lễ hội cúng thần linh như: thần bến nước, thần đất, mặt trời, thần rừng... song do đời sống kinh tế khó khăn, người dân không còn mặn mà với các lễ hội. Hiện chỉ có lễ hội cúng bến nước được tổ chức lại cách đây 3 năm”. Em H’Hằng, thôn Buôn M’Đung chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia lễ hội cúng bến nước ở thôn buôn, em thấy các bài hát múa rất hay. Trước đây, em chỉ biết các bài múa này qua mạng Internet hoặc sách báo”.


Ông Nguyễn Văn Lương cho biết, hiện lễ hội cúng bến nước của đồng bào Ê Đê đã và đang được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và đang có dấu hiệu hồi phục. Hiện nay, cả 4 thôn buôn trên địa bàn xã Ninh Tây đều tổ chức lễ hội cúng bến nước. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội này ở các thôn còn thiếu hoặc không đúng cách. Cụ thể như lễ hội cúng bến nước thôn Buôn M’Đung lẽ ra phải diễn ra vào đầu tháng Giêng và trong 3 ngày với 2 phần lễ và hội. Ngày thứ nhất lễ được tổ chức tại nhà già làng chuẩn bị các lễ vật cúng tế như: cơm, thịt theo, rượu cần... rồi cử một đoàn người mang lễ vật đến bến nước cúng thần; ngày thứ hai dân làng nghỉ ngơi và tự liên hoan ở nhà; ngày thứ ba cúng tại nhà già làng và kết thúc lễ hội. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, lễ hội cúng bến nước thôn Buôn M’Đung hiện nay chỉ diễn trong 1 buổi sáng. Trong phần nghi thức lễ hội, đoàn người mang lễ vật cúng thần trước khi đến cúng thần bến nước phải làm lễ xin phép thần cổng bến rồi mới được vào bến cúng thần bến nước, nhưng nay quy trình này đã bị làm ngược. Không chỉ vậy, các thiếu nữ tham gia lễ hội múa các bài múa truyền thống nhưng không hiểu rõ ý nghĩa điệu múa hay ý nghĩa của lễ hội. 

    
Theo ông Lương, sắp tới Trung tâm Văn hóa - Thể thao Ninh Hòa sẽ làm việc với Phòng Văn hóa, già làng các buôn ở xã để tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm tổ chức lễ hội, qua đó góp phần tiếp tục duy trì, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của lễ hội này trong đời sống người dân nơi đây.


Phúc Hiếu